Nhiều dự án vốn đầu tư công hoàn thành nhưng chưa quyết toán
Quyết toán dự án hoàn thành hiện vẫn còn khá chậm ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Ảnh: TL minh họa

Hơn 24 nghìn dự án chưa phê duyệt quyết toán

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, cả nước có 45.168 dự án đã được phê duyệt quyết toán, chiếm 64,5% dự án hoàn thành (DAHT), thấp hơn 0,5% so với năm 2021 (65%). Bên cạnh đó, còn 24.875 dự án chưa phê duyệt quyết toán (bằng 35,5% DAHT).

Thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán, cơ quan thẩm tra đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán 5.361 tỷ đồng, bằng 1,67% giá trị đề nghị quyết toán.

Báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá, so với tổng số DAHT, một số đơn vị có tỷ lệ dự án đã phê duyệt quyết toán đạt từ 80% trở lên, cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước (65%), như Văn phòng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị tỷ lệ dự án đã phê duyệt quyết toán thấp hơn nhiều tỷ lệ bình quân chung, như: Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp…

Một số đơn vị có tỷ lệ dự án đã nộp hồ sơ quyết toán trong thời gian thẩm tra, phê duyệt theo quy định đạt từ 85% trở lên, cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước 82% (năm 2021 là 79%). Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị có tỷ lệ dự án vi phạm thời gian thẩm tra, phê duyệt, cao hơn tỷ lệ vi phạm bình quân của cả nước 18% (năm 2021 là 21%), chủ yếu là các dự án do cấp huyện, cấp xã quản lý.

Một số đơn vị có tỷ lệ dự án chưa nộp hồ sơ quyết toán đúng quy định cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước (62%) và một số đơn vị có dự án vi phạm thời gian quyết toán cao hơn tỷ lệ vi phạm bình quân của cả nước 38% (năm 2021 là 41%).

Đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán

Quyết toán DAHT luôn là vấn đề "đau đầu" của nhiều địa phương vì các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa làm hồ sơ quyết toán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đầu tư. Bộ Tài chính đã tích cực đôn đốc. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương rà soát và thực hiện quyết toán đối với các dự án đã hoàn thành.

Đơn cử như tại tỉnh Phú Thọ, đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh còn 22 chủ đầu tư, ban quản lý dự án và 19 nhà thầu vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán DAHT đối với 57 công trình, dự án. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu tăng cường và xử lý dứt điểm công tác quyết toán vốn đầu tư công DAHT trên địa bàn tỉnh năm 2022.

12.740 dự án vi phạm quy định thời gian quyết toán

Trong năm 2022, cả nước có 70.043 dự án đã hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước (thấp hơn năm 2021 là 14.977 dự án) cần thực hiện thủ tục quyết toán vốn theo quy định, với giá trị tổng mức đầu tư được duyệt là 975.862 tỷ đồng. Trong đó, có 39.723 dự án hoàn thành (DAHT) các năm trước và 30.320 DAHT trong năm 2022.

Trong tổng số các DAHT này có 57.303 dự án trong thời gian quyết toán theo quy định và 12.740 dự án vi phạm quy định thời gian quyết toán.

Tại văn bản, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn trong công tác quyết toán; không để tồn đọng dự án hoàn thành chậm lập hồ sơ quyết toán; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cán bộ có liên quan của các cơ quan, đơn vị còn để tồn đọng các dự án, công trình chậm lập hồ sơ quyết toán; đồng thời, không để nhà thầu có vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới theo quy định.

Còn tại TP. Hà Nội, trong năm 2022, còn 173 dự án hoàn thành sử dụng vốn NSNN chậm nộp hồ sơ quyết toán so với quy định. Để bảo đảm công tác quyết toán DAHT được thực hiện đúng quy định, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công ngân sách cấp thành phố thực hiện việc lập, trình phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công DAHT theo đúng quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Trong năm 2023, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Tài chính Hà Nội xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, hướng dẫn quyết toán DAHT trên địa bàn thành phố năm 2023, trong đó tập trung kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư còn nhiều dự án chậm quyết toán, báo cáo UBND thành phố những vướng mắc vượt thẩm quyền (nếu có); đẩy nhanh việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án theo quy định; công khai tình hình quyết toán DAHT sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên trang thông tin điện tử của Sở Tài chính…

Về phía Bộ Tài chính, để đảm bảo công tác quyết toán vốn đầu tư công DAHT được thực hiện đúng quy định, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công DAHT theo đúng quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vi phạm thời gian quyết toán vốn đầu tư công DAHT bao gồm: chậm lập hồ sơ quyết toán; chậm thẩm tra, phê duyệt.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát số vốn đầu tư công còn lại phải bố trí của các dự án đã hoàn thành so với giá trị quyết toán được duyệt hoặc giá trị đề nghị quyết toán hoặc giá trị khối lượng hoàn thành được nghiệm thu là 27.233 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 1.973 tỷ đồng.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu trong việc chấp hành quy định về nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ quyết toán hợp đồng và quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định hiện hành của nhà nước; công khai danh sách các dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định...

Ông Phạm Việt Bắc - Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa:

Thực hiện phương pháp "cuốn chiếu" giúp Thanh Hóa đạt kết quả tốt trong quyết toán

Nhiều dự án vốn đầu tư công hoàn thành nhưng chưa quyết toán
Ông Phạm Việt Bắc

Tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng, quan tâm đến công tác tổng hợp tình hình QTDAHT. Thông qua quá trình tổng hợp số liệu báo cáo định kỳ, nhận thấy việc vi phạm thời gian quyết toán xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các công văn, chỉ thị nhằm chấn chỉnh công tác quyết toán dự án của các địa phương. Đồng thời, hàng năm, UBND tỉnh có thông báo công khai tình hình

QTDAHT trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có các chỉ đạo riêng đối với các chủ đầu tư vi phạm thời gian quyết toán, các chủ tịch UBND huyện còn nhiều dự án tại cấp mình vi phạm thời gian quyết toán; thực hiện kiểm điểm đối với các đơn vị để tình hình vi phạm kéo dài, số dự án vi phạm năm sau tăng hơn so với năm trước.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện theo phương pháp cuốn chiếu. Theo đó, các chủ đầu tư lập và nộp hồ sơ ngay sau khi dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng với thời gian giảm tối thiểu 30% so với quy định của Chính phủ. Cụ thể: Nhóm A chỉ còn 6 tháng, nhóm B chỉ còn 4 tháng, nhóm C chỉ còn 3 tháng. Đồng thời cũng tiết kiệm tối thiểu 30% so với thời gian quy định trong công tác thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán (đối với các dự án cấp tỉnh quản lý)....

Theo quy định, định kỳ báo cáo 1 năm/1 lần. Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa thực hiện rà soát, báo cáo định kỳ các dự án hoàn thành chưa lập và nộp hồ sơ quyết toán định kỳ 6 tháng và 1 năm để kịp thời tham mưu, xử lý đối với các dự án còn vi phạm.

Trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có 1.908 dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán; trong đó có 1.866 dự án đã phê duyệt quyết toán đúng thời hạn; 42 dự án vi phạm thời gian quyết toán chiếm 2,2% dự án đã phê duyệt quyết toán (chủ yếu là chủ đầu tư vi phạm thời lập và nộp hồ sơ quyết toán).

Vân Hà (ghi)

Ông Đinh Văn Tâm - Phó Giám đốc Sở Tài chính Lào Cai:

Nắm bắt khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời trong quyết toán dự án hoàn thành

Nhiều dự án vốn đầu tư công hoàn thành nhưng chưa quyết toán
Ông Đinh Văn Tâm

Từ năm 2018 đến năm 2022, cơ quan tài chính các cấp ở Lào Cai đã thẩm tra và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán được 4.681 dự án, với tổng giá trị quyết toán được duyệt 20.089 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018 là 1.195 dự án; năm 2019 là 936 dự án; năm 2020 là 1.084 dự án; năm 2021 là 1.005 dự án và năm 2022 là 461 dự án.

Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của cơ quan tài chính các cấp ở địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc thực hiện nghiêm các quy định về QTDAHT. Đặc biệt, hàng năm, Sở Tài chính đã thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác quyết toán tại các đơn vị, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc đề xuất giải pháp tháo gỡ để quyết toán dứt điểm từng dự án cụ thể theo khuyến nghị của Bộ Tài chính tại các văn bản đã ban hành.

Tỉnh Lào Cai đang tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên thực hiện kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng chưa thực hiện quyết toán, thuyết minh rõ nguyên nhân chậm quyết toán, những khó khăn vướng mắc cụ thể của từng trường hợp, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn để xử lý dứt điểm.

Đồng thời, kiện toàn, tăng cường hoạt động của bộ phận thực hiện thẩm tra QTDAHT các cấp; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ công chức làm công tác thẩm tra quyết toán; tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu suất làm việc; bảo đảm thực hiện công tác quyết toán có chất lượng, đạt hiệu quả và đúng tiến độ.

Tô Ngọc (ghi)