Chưa tìm thấy sự thành khẩn Sữa nhiễm độc - thêm một cú sốc về an toàn thực phẩm Ảnh: ST Ngày 9/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết việc thu hồi sữa bị nghi nhiễm khuẩn của các công ty liên quan tại thị trường Việt Nam xem như đã hoàn tất, và tiếp sau đây, sẽ yêu cầu tiêu hủy 14 nghìn thùng sữa này. Người ta thấy, đằng sau vụ bê bối trên là một sự khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Lại một lần nữa, tiếp nối những vụ sữa có melamin, hay phở, bún có fooc-môn… trước đây, minh chứng cho thấy rõ các “thượng đế” luôn bị đặt vào tình thế là kẻ ngu ngơ chuyên “cầm giao đằng lưỡi” - mất tiền mua bệnh vào thân. Người tiêu dùng còn “thấp cổ, bé họng” đến bao giờ nữa? Đằng sau câu hỏi này, và sau những lo toan, sợ hãi toát mồ hôi hột của các bậc làm cha mẹ trót mua và cho con dùng sữa độc, người ta còn thấy được “văn hóa xin lỗi” của người luôn ở thế thượng phong - các nhà sản xuất sữa - được biểu hiện ra sao. Những văn bản được gọi là lời xin lỗi của hãng sữa này, kia không thể làm người tiêu dùng thông cảm, bởi sự hời hợt và “vô tư” đến mức vô cảm. Vụ sữa độc đã khiến dư luận đã dấy lên nỗi lo ngại, và sau cảm xúc đầu tiên là lo lắng, các bậc làm cha mẹ bất bình vì những gì được đáp lại: Đó chỉ là việc thu hồi sữa và những lời xin lỗi mang tính chất thông báo. Vi khuẩn C. Btulinum có trong các sản phẩm sữa độc này là một trong những tuýp cực độc với biểu hiện hội chứng viêm dạ dày - ruột cấp tính, nhiễm độc thần kinh có liệt mềm, diễn biến nhanh và có thể gây tử vong. Vi khuẩn bị diệt ở 60 độ C trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng. Để khử độc tố, cần đun sôi 100 độ C ít nhất 15 phút. Để diệt nha bào, cần đun ở 100 độ C ít nhất 1 giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160 độ C ít nhất 30 phút. Trong khi đó, theo cách pha sữa chuẩn cho trẻ em, thì sữa bột chỉ được pha ở nhiệt độ 40 - 50 độ C. Vì sao một thứ thực phẩm được dùng hàng ngày cho trẻ em - những Con Người, hơn thế, là những con người thể trạng còn non nớt rất dễ bị tổn thương, chỉ biết tiếp nhận mà không thể từ chối - bị nhiễm chất độc với tác hại nặng nề đến như vậy, mà đối tượng sản xuất, phân phối ra thị trường lại cứ như kẻ vô can? Rõ ràng đây là điều không thể chấp nhận được. Thỉnh thoảng, trong bản tin Thời sự Quốc tế của Đài Truyền hình Việt Nam lại xuất hiện những dòng tin, hình ảnh về vụ nổ bom này, kia, với bao nhiêu người bị thương vong, và câu cuối là: “…Lực lượng X đã nhận trách nhiệm về vụ nổ này”. Người xem truyền hình càng thấy bất bình hơn với những kẻ khủng bố, vì đã “nhận trách nhiệm” kiểu như trên, một kiểu nhận trách nhiệm vô trách nhiệm nhất; nó giống như một sự thách thức công luận, công lý thì đúng hơn: “Tao gây tội ác đấy, làm gì được tao?”. Vẫn biết so sánh là khập khiếng, nhưng ai có thể cấm đoán được sự liên tưởng? Làm gì để tự vệ? Người dân Việt Nam vốn hiền hòa và không thích va chạm. Mỗi khi mua phải sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hết “đát”, thì phản ứng của phần đông mọi người là lặng lẽ “rút ra một bài học cho bản thân”, không kiện cáo gì. Nhưng với cung cách quản lý hiện nay thì người tiêu dùng sẽ phải rút ra rất nhiều bài học cho mình, nếu cứ mãi lặng lẽ như thế. Theo ý kiến của một luật sư tại TP. Hồ Chí Minh trao đổi với báo chí, thì khi có vụ việc tương tự như vụ sữa độc này xảy ra, căn cứ để khởi kiện phải dựa trên thiệt hại và phải chứng minh là thiệt hại do sản phẩm bị lỗi gây nên. Làm được điều này không dễ. Tuy nhiên, Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ghi rõ: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật”. Vì thế, nhà sản xuất và các đơn vị liên đới khi đưa ra thị trường sản phẩm độc hại, kém chất lượng thì phải đền bù, chứ không phải cứ trả lại hàng, tiền là xong việc. Mặt hàng sữa: Luôn tăng giá và thiếu minh bạch thông tin Theo thống kê, trên thị trường Việt Nam lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, 70% còn lại là nhập khẩu. Giá sữa liên tục tăng, chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, các hãng sữa bột đã 3 lần tuyên bố tăng giá. Gần đây, để tránh bị kiểm soát giá, nhiều dòng sữa đã nhanh chóng được chuyển đổi thành các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng... Bộ Tài chính đã kiến nghị Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển ông thôn kiểm tra, giám sát chặt chẽ các quy trình, quy chuẩn, đồng thời phân loại mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi để thực hiện quản lý, bình ổn giá theo quy định của Luật Giá; đồng thời đưa mặt hàng thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi vào diện phải kê khai giá.

KT