Biển yêu cầu khách hàng và nhân viên phải tiêm chủng trước lối vào một nhà hàng ở New York, Mỹ.

Biển yêu cầu khách hàng và nhân viên phải tiêm chủng trước lối vào một nhà hàng ở New York, Mỹ.

OECD đánh giá từ đầu năm 2021 đến nay, nền kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi nhờ các biện pháp kích thích mà các chính phủ đã áp dụng, việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 và nhiều hoạt động kinh tế đã được nối lại.

Tuy nhiên, bức tranh phục hồi kinh tế vẫn chưa chắc chắn và vẫn còn nhiều khác biệt giữa các quốc gia cũng như khu vực.

OECD dự báo sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,7% trong năm 2021, giảm 0,1% so với dự báo trước mà tổ chức này đưa ra vào tháng Năm vừa qua. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 là 4,5%, tăng 0,1% so với dự báo trước đó.

Theo OECD, giữa các quốc gia vẫn tồn tại những cách biệt về sản lượng kinh tế và việc làm, đặc biệt nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp đang bị tụt lại khá xa.

OECD hạ mạnh dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 6,9% xuống 6% trong năm 2021.

Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo nền kinh tế nước này tăng trưởng 6,7% trong năm sau.

Trong khi đó, kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu ÂU (Eurozone) được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm 2021, cao hơn mức dự báo hồi tháng Năm. Dù vậy, mỗi quốc gia thành viên Eurozone cũng sẽ có tốc độ tăng trưởng khác nhau, trong đó các nước như Pháp, Italy và Tây Ban Nha thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong khi kinh tế Đức sẽ tăng trưởng chậm hơn.

Trong báo cáo mới nhất, OECD cũng nâng dự báo tăng trưởng của các quốc gia như Argentina, Brazil, Mexico, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế Australia, Anh, Nhật Bản và Nga. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc giữ nguyên ở mức 8,5%.

OECD đã nâng triển vọng tăng trưởng năm 2021 của nền kinh tế Hàn Quốc lên 4%, tăng 0,2% so với ước tính đưa ra hồi tháng Năm năm nay. Tổ chức có trụ sở tại Paris cũng đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của quốc gia Đông Bắc Á này lên 2,9% so với ước tính trước đó là 2,8%.

OECD cảnh báo triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ liên tục trong trạng thái bấp bênh và không ổn định cho tới khi việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được triển khai đồng bộ trên toàn thế giới. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ khuyến khích người dân đi tiêm phòng sớm nhất có thể để bảo vệ mạng sống, thu nhập và kiểm soát được dịch bệnh. Nếu không thể đảm bảo khống chế được virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu thì nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, dễ lây lan hơn sẽ tiếp diễn.

Tổ chức này đánh giá tác động kinh tế do tình trạng dịch bệnh lây lan mạnh với sự xuất hiện của biến thể Delta ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao hiện nay là khá nhẹ. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, biến thể này đã làm giảm động lực hồi phục kinh tế và gia tăng áp lực lên các chuỗi cung ứng và chi phí toàn cầu.

Theo OECD, hoạt động luân chuyển ở các nước châu Á-Thái Bình Dương đã chậm lại đáng kể do các biện pháp hạn chế được áp dụng trở lại để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Delta.

OECD kêu gọi các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, cung cấp những hướng dẫn rõ ràng về các động thái sắp tới và biên độ dao động các mục tiêu lạm phát mà các ngân hàng có thể chấp nhận được.

Trong khi đó, các chính phủ cần tiếp tục linh hoạt và duy trì các chính sách phù hợp với thực trạng kinh tế đất nước. OECD nhấn mạnh các chính phủ cần tránh việc rút các biện pháp hỗ trợ kinh tế quá sớm và đột ngột trong bối cảnh triển vọng kinh tế ngắn hạn vẫn chưa ổn định.

OECD nhấn mạnh tốc độ triển khai tiêm vaccine phòng bệnh càng nhanh, tiết kiệm hộ gia đình giảm càng mạnh thì nhu cầu sẽ càng cao và tỷ lệ thất nghiệp sẽ càng thấp, nhưng các yếu tố này sẽ tạo đà đẩy áp lực lạm phát trong ngắn hạn. Ngược lại, tiêm chủng càng chậm và các biến thể mới tiếp tục xuất hiện thì quá trình phục hồi kinh tế sẽ càng yếu đi trong khi sẽ có thêm nhiều người lao động thất nghiệp.

Đầu tháng này, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ thất vọng vì các quốc gia sản xuất vaccine phòng COVID-19 không thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất giúp thế giới đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào nửa đầu năm 2022. Ông cho rằng trong khi COVID-19 đang "báo thức" thì thế giới tiếp tục "ngủ quên"./.

Theo TTXVN