Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai đi ngược xu hướng của chỉ số cơ sở. Theo đó, toàn bộ các hợp đồng tương lai đều giảm điểm, tuy nhiên, mức giảm cũng không nhiều, chỉ từ 0,7 điểm đến 2,8 điểm. Các hợp đồng tương lai và chỉ số cơ sở trái chiều khiến khoảng cách chênh lệch âm được nới rộng, hiện ghi nhận ở mức -28,8 điểm đến -12 điểm. Diễn biến này cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà giao dịch về thị trường cơ sở trong ngắn hạn.
|
Thanh khoản thị trường phái sinh cải thiện so với phiên trước. Theo đó, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai tăng gần 20%, đạt 156.940 hợp đồng. Vì thế, giá trị giao dịch cũng tăng, lên mức 12.547 tỷ đồng. Khối lượng mở cũng tương tự, tăng lên mức 21.371 hợp đồng.
Trên thị trường cơ sở, diễn biến giao dịch giằng co, khiến VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 0,31%, lên ngưỡng 871,28 điểm, tương ứng với phiên tăng thứ 3 liên tiếp, trong đó VHM đóng góp nhiều nhất cho mức tăng.
Theo nhóm vốn hóa, cổ phiếu Midcap là có diễn biến vượt trội trong khi 2 nhóm còn lại chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, VN Midcap-Index tăng 0,88% so với mức tăng 0,21% của VN30 và 0,09% của VN Smallcap.
Trạng thái tích cực tại nhóm vốn hóa trung bình được phản ánh ở diễn biến tốt của các lĩnh vực phân bón, điện hay xây dựng. Một lĩnh vực khác cũng cho thấy sự đồng thuận trong phiên là nhóm ô tô. HAX, SVC tăng tương ứng 2,5% và 3,5%; trong khi VEA tăng mạnh 4,7%
Khối lượng giao dịch trên sàn HOSE giảm -20,9% về 344,4 triệu đơn vị; còn giá trị giao dịch giảm -13,6% về mức 5,3 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần -22,3 tỷ đồng trên HOSE. Xét riêng nhóm VN30, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng 25,2 tỷ đồng.
![]() |
Chỉ số VN30 tăng 0,21% so với phiên trước, đạt 808,97 điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn chưa thể vượt qua kháng cự gần nằm tại 814 điểm. SSI Research cho rằng, khối lượng giao dịch ngày càng sụt giảm cho thấy nhà đầu tư đang dần chuyển từ nhóm vốn hoá lớn và dịch chuyển sang nhóm vốn hoá trung bình có khả năng mang lại thành công cao hơn./.
D.T