![]() |
Dòng tiền hiện vẫn đang ở trạng thái phòng thủ, lựa chọn cổ phiếu có yếu tố cơ bản bền vững. Ảnh: Dũng Minh |
Vẫn có các yếu tố nền tảng hỗ trợ
Báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán tháng 5 của SSI Research cho biết, dữ liệu 10 năm gần nhất cho thấy thị trường có tỷ lệ tăng điểm lên đến 70% trong tháng này, phản ánh tâm lý tích cực thường thấy. Điều này diễn ra trong bối cảnh tháng 5 thường có khoảng trống về thông tin, do phần lớn doanh nghiệp đã tổ chức đại hội cổ đông và công bố báo cáo tài chính quý I trong tháng 4.
Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp nối dài chuỗi 6 quý liên tiếpTheo SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý I/2025 toàn thị trường vẫn duy trì tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, dù chậm lại so với 29% ở quý trước nhưng nối dài chuỗi tăng trưởng 6 quý liên tiếp. |
Các chuyên gia của SSI Research cũng nhận định thị trường chứng khoán đã phục hồi đáng kể trong 3 tuần cuối tháng 4 với mức tăng 12% trên VN-Index. Sau tuần bán mạnh trên diện rộng, tâm lý thị trường chuyển biến tích cực hơn nhờ hỗ trợ bởi tăng trưởng GDP quý I/2025 với mức tăng 6,9% so với cùng kỳ, tăng trưởng kết quả kinh doanh quý I/2025 của các doanh nghiệp niêm yết lần lượt được công bố phần lớn trong xu hướng tích cực và căng thẳng thương mại dịu đi.
"Để có thể tiếp tục đà phục hồi ổn định, thị trường chứng khoán cần đón nhận chuyển biến tích cực cụ thể hơn trong quá trình đàm phán thương mại giữa các nền kinh tế lớn, cũng như quá trình đàm phán giữa Việt Nam - Mỹ bắt đầu từ ngày 07/5" - nhóm phân tích SSI Research nhận định.
Về mặt định giá, hệ số P/E hỗn hợp đã tăng 6,6% từ mức 10,5 lần ngày 09/4 lên 11,2 lần vào ngày 29/4, tuy nhiên hiện vẫn còn ở mức thấp hơn đáng kể so với bình quân 10 năm gần nhất (15,5 lần). Lợi suất ước tính 1 năm hiện ở mức 9,9% (dựa trên P/E ước tính 1 năm của VN-Index 10,1 lần) đang mở ra khoảng cách hấp dẫn so mức lãi suất huy động.
Trong khi các yếu tố rủi ro bất định với thị trường chứng khoán vẫn tiềm tàng, thị trường chứng khoán vẫn nhận được các yếu tố nền tảng hỗ trợ dài hạn như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và quyết liệt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX) vận hành thuận lợi tiền đề cho quá trình nâng hạng.
Còn theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, bước sang tháng 5/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần thoát khỏi giai đoạn khó khăn, với nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực từ nền kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh quý I/2025 khởi sắc, chính sách đầu tư công và kỳ vọng nâng hạng thị trường. Mới đây, hệ thống KRX vận hành ổn định và thông suốt cũng có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.
Chứng khoán Mirae Asset nhận định, VN-Index sẽ tiếp tục đà phục hồi trong tháng 5. Tâm lý thị trường được kỳ vọng sẽ trở nên tích cực khi thị trường bước vào giai đoạn ổn định hơn, với các quốc gia bắt đầu tham gia đàm phán thuế quan, qua đó có thể làm giảm tần suất các thông tin khó lường từ phía Hoa Kỳ.
Dòng tiền vẫn đang ở trạng thái phòng thủ
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Khối nghiên cứu đầu tư, Công ty FIDT cho rằng, khác với định kiến truyền thống, tháng 5 hiện nay không còn là “vùng trũng thông tin”, mà ngược lại là giai đoạn tập trung nhiều yếu tố vĩ mô có sức ảnh hưởng mạnh tới thị trường.
Tháng 5 năm nay đánh dấu thời điểm nhạy cảm khi diễn ra nhiều diễn biến quan trọng, như cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Việt liên quan đến khả năng áp thuế trở lại với hàng hóa Việt Nam. Hay như kỳ họp Quốc hội đang diễn ra bàn nhiều nội dung quan trọng đến tổ chức bộ máy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Những thông tin này có thể tạo ra các “lực đẩy” hoặc “lực nén” đáng kể lên tâm lý thị trường, khiến diễn biến giá cổ phiếu phản ứng mạnh và nhanh hơn bình thường.
Theo ông Huy, xét về yếu tố chi phối, thị trường hiện đang nằm giữa ba lực tác động lớn. Đầu tiên là rủi ro bên ngoài, đặc biệt là câu chuyện thuế quan. Cùng với đó, chính sách tiền tệ toàn cầu - trong đó xu hướng giữ lãi suất cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tạo sức ép lên dòng vốn vào thị trường cận biên, khiến khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái giao dịch thận trọng. Ngoài ra, chính sách trong nước - tuy đã có một số tín hiệu nới lỏng như đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng và hạ lãi suất điều hành - nhưng độ trễ của các chính sách này vẫn khiến thị trường chưa cảm nhận được hiệu ứng rõ rệt. Dòng tiền vẫn đang ở trạng thái phòng thủ, lựa chọn nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản vững và hưởng lợi rõ ràng từ chính sách, thay vì dàn trải trên toàn thị trường.
Ông Bùi Nguyên Khoa - Phó Trưởng phòng Phân tích nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng vay nợ margin và tỷ trọng cổ phiếu xuống để tránh rủi ro thị trường biến động. Do đó, giữ tỷ trọng hợp lý là an toàn nhất. Nhà đầu tư nên hướng đến những câu chuyện trong nước có nền tảng như tiêu dùng, đầu tư công, viễn thông hoặc công nghệ...