Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong phát triển kinh tế - xã hội

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, ông Lê Thành Đô cho biết, Điện Biên là tỉnh miền núi cao, biên giới, có diện tích tự nhiên hơn 9.541km2, trong đó 50% diện tích có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển; 70% diện tích dốc 25 độ trở lên... rất khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Kế thừa truyền thống hào hùng, phát huy giá trị Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên hăng hái thi đua phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh có nhiều đổi thay, khởi sắc.

Phấn đấu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá

Ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

Đặc biệt là sau chia tách tỉnh (năm 2004) Điện Biên đã có bước phát triển vượt bậc với nhiều thành tựu, kết quả quan trọng, toàn diện: Kinh tế nhiều năm liền duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhất là hạ tầng kết nối giao thông.

Đặc biệt với việc dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng đã rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa Điện Biên với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước và quốc tế, góp phần thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, tạo động lực đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Điện Biên bình quân giai đoạn 2004 - 2018 đạt 8,72%/năm, những năm gần đây đạt trung bình hơn 9%, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; tổng thu ngân sách nhà nước tăng hơn 11 lần so với năm 2004.

Theo ông Lê Thành Đô, để có bước phát triển nhanh, bền vững, xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, phấn đấu đến năm 2045, Điện Biên nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phấn đấu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển của tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Điện Biên xác định tư tưởng phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử. Chiến lược phát triển tổng quát: “hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển, kiến tạo giá trị mới và đặc sắc” và tập trung phát triển có trọng điểm, dồn trọng tâm vào những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, bao gồm: Nông - lâm nghiệp; du lịch; xây dựng; thương mại - dịch vụ; công nghiệp. Trong đó lấy nông - lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực; du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn...

3 đột phá và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện 3 đột phá phát triển là: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Đồng thời tỉnh tập trung triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng nông lâm sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, tiềm năng trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư, phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Phấn đấu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá
Ngập tràn cờ hoa, khẩu hiệu chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Đức Minh

Hai là, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu đô thị, quy hoạch nông thôn mới, đặc biệt là quy hoạch chung TP. Điện Biên Phủ làm cơ sở để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh.

Tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai và các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại, phấn đấu xây dựng TP. Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II, Thị xã Mường Lay đạt tiêu chí đô thị loại IV và trung tâm thị trấn các huyện đạt tiêu chí đô thị loại V trở lên. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là các công trình hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dựa trên 3 trụ cột chính: Du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Bốn là, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách thông thoáng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế vào các ngành, lĩnh vực lợi thế, thế mạnh của tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ số hóa để phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.

Năm là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; tập trung bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; xây dựng và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; thực hiện có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn.

Sáu là, tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, gắn với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo khống chế không để các loại dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.

Bảy là, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh. Gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tám là, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự./.