Giá thành vận tải đường thủy nội địa

Giá thành vận tải đường thủy nội địa chỉ bằng khoảng 30% so với đường bộ

Thực tiễn đặt ra là cần phải làm gì để phát triển vận tải thủy nội địa xứng với tiềm năng sẵn có. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang về vấn đề này.


Ông Hoàng Hồng Giang

Ông Hoàng Hồng Giang

PV: Xin ông cho biết, nguyên nhân nào khiến cho ngành Đường thủy nội địa Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng sẵn có?

- Ông Hoàng Hồng Giang: Hiện nay, hoạt động vận tải thủy vẫn khai thác dựa vào tự nhiên là chính, trên từng tuyến chỉ đạt 40 - 60% tần suất phương tiện đi lại.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn hoạt động vận tải thủy nội địa; công tác rà soát, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chưa kịp thời; nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu; đoàn phương tiện khai thác cũ, lạc hậu, chậm đổi mới về công nghệ; công tác đầu tư kết cấu hạ tầng, duy tu, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, mô hình tổ chức kinh doanh vận tải còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn kết để phát huy lợi thế; sự kết nối với các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt, đường biển chưa được tạo lập một cách phù hợp, chưa có quy hoạch hợp lý để tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, phát triển vận tải đa phương thức mà vận tải thuỷ nội địa là chủ đạo... dẫn đến chi phí vận tải cao hơn các nước có cùng điều kiện.

PV: Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang siết chặt kiểm soát tải trọng nhằm hạn chế hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng như thiết lập tuyến vận tải ven biển. Vậy ngành Đường thủy nội địa đã “nắm” lấy cơ hội này như thế nào, thưa ông?

- Ông Hoàng Hồng Giang: Toàn ngành Đường thủy coi đây là một cơ hội tốt để từng bước vượt qua khó khăn, lấy lại thị phần của vận tải thủy nội địa, giảm tải cho đường bộ. Sau 1 năm đưa vào hoạt động các tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã cho thấy kết quả rất tích cực. Đến thời điểm này tổng lượng hàng hóa vận chuyển đã đạt gần 5,3 triệu tấn, giá vận tải tính trên tấn hàng hoá chỉ bằng 20% - 30% các phương thức vận tải khác lại có độ an toàn cao.

Thêm vào đó, việc Bộ GTVT tăng cường, siết chặt tải trọng của phương tiện vận tải đường bộ, là cơ hội phát triển và cũng là thách thức đối với vận tải thủy nội địa. Phát triển vận tải thủy nội địa sẽ góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, phát huy lợi thế địa phương, tạo ra thị trường vận tải mới, có giá cước hợp lý, cạnh tranh v.v...

Tuy nhiên, để vận tải thủy nội địa phát triển xứng với tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi, tạo đột phá trong phát triển kinh tế thì cần có những chính sách đầu tư hợp lý cũng như sự quan tâm phối hợp của các ngành, các cấp cũng như sự quyết liệt đổi mới của tự thân ngành Đường thủy. Đồng thời, cũng cần huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để phát triển vận tải thủy nội địa kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác, kết hợp khai thác tiềm năng vận tải ven biển tạo sự kết nối vận tải thủy nội địa giữa các vùng, miền trong cả nước. Cùng với đó, khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng có kết hợp đầu tư mới việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội chính.

PV: Ông vừa nhấn mạnh đến việc cần huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để phát triển vận tải thủy nội địa. Vậy với cương vị là người đứng đầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, ông có thể cho biết thời gian tới ngành Đường thủy nội địa sẽ có những giải pháp gì để đẩy mạnh việc huy động này?

- Ông Hoàng Hồng Giang: Thời gian tới Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ đề nghị Chính phủ bổ sung lĩnh vực đường thủy nội địa (đầu tư, bảo trì, khai thác) vào lĩnh vực khuyến khích đầu tư, ưu đãi đầu tư.

Đồng thời, cũng sẽ xây dựng và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Giao thông đường thủy nội địa bổ sung, sửa đổi; xây dựng cơ chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường thủy nội địa để hoàn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, cũng sẽ rà soát, cập nhật và bổ sung các qui hoạch về đường thuỷ nội địa đảm bảo có hệ thống kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa đồng bộ.

Mặt khác, cũng đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường thủy nội địa theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT nhằm khai thác tối đa các nguồn lực, tiền vốn đầu tư và xây dựng phát triển vận tải thủy nội địa cũng như nhanh chóng hoàn thiện và triển khai áp dụng vào thực tiễn Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực đường thủy...

PV: Xin cảm ơn ông!

Trí Dũng