Wall Street đang mất dần vị thế Trung tâm Tài chính của Hoa Kỳ

Xu hướng chuyển dịch nhân sự ngân hàng từ Phố Wall sang các chi nhánh khác đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn - Ảnh: CNBC

Đối với rất nhiều nhân viên của Goldman Sachs, giờ đây họ sẽ không còn bắt đầu một ngày làm việc bằng cách “thẳng tiến” đến trụ sở chính tại 200 West Street, khu hạ Manhattan nữa. Theo số liệu thống kê từ CEO Lloyd Blankfein của Credit Suisse, hiện đã có hơn 1/4 số nhân sự tại Goldman Sachs làm việc tại những “vị trí chiến lược” với chi phí thấp hơn New York trên khắp thế giới.

Kết thúc năm 2015, ngân hàng đầu tư nổi tiếng này đang có tổng số nhân công là 36.800 người. Tức là hiện có ít nhất 9.200 nhân viên công tác ở các “vị trí chiến lược” bên ngoài nước Mỹ. Để dễ so sánh, số nhân viên của họ đang “đóng đô” ở Vùng đô thị New York (New York City và Jersey City) cũng chỉ khoảng 10.000 người. Tính từ năm 2012, số nhân sự đến từ các chi nhánh bên ngoài Wall Street đã tăng thêm 3.000 người. Trong khi cùng thời gian đó, tổng số nhân viên của Goldman Sachs đã phát triển thêm 4.400 vị trí.

Theo chuyên gia James Malick từ tập đoàn tư vấn quản trị nhân sự nổi tiếng Boston Consulting Group, ít nhất trong thời gian gần trước mắt New York sẽ vẫn tiếp tục là Trung tâm tài chính của Hoa Kỳ, nhưng mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho các nhà băng và hãng tài chính tập trung tại đây. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, doanh thu ngân hàng sụt giảm, trong khi giá thuê bất động sản và chi phí nhân công ở Phố Wall quá cao so với mức trung bình của cả nước Mỹ cũng như các nơi khác trên thế giới.

wall street

Một lượng lớn nhân sự nhà băng Hoa Kỳ đang tập trung tại Bangalore - Ảnh: Goldman Sachs

Hiện nay, một phần lớn nhân viên trong số các “vị trí chiến lược” của Goldman Sachs đến từ thành phố Bengaluru, hay còn gọi là Bangalore – nổi tiếng với tên gọi “Thung lũng Silicon của Ấn Độ”. Tổng số nhân sự của nhà băng này tại đây lên đến 5.700 người, tương đương 62% lượng nhân công của họ tại các chi nhánh bên ngoài Hoa Kỳ. Còn tại Mỹ, Salt Lake City – thủ phủ tiểu bang Utah đang là nơi làm việc của 2.200 người. Thành phố Dallas – bang Texas có 730 nhân viên.

Cũng cần phải nói thêm rằng, như số liệu do chính ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới này đưa ra ít hôm trước đây, họ đang có ngày càng nhiều nhân viên làm việc trong bộ phận công nghệ thông tin hơn bao giờ hết. Có đến 9.000 nhân sự tại đây là kỹ sư công nghệ hoặc lập trình viên, nhiều hơn cả công ty công nghệ đình đám Facebook. Trong số này, 41% đang làm việc ở những chi nhánh có chi phí thấp trên thế giới, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, một nửa trong số 2.800 nhân viên mới của họ không làm về chuyên môn tài chính mà về công nghệ, hạ tầng và pháp lý.

Một ngân hàng đầu tư lớn khác là Morgan Stanley, hồi tháng 1 vừa qua cũng đã công bố một kế hoạch tiết kiệm chi phí mới. Theo đó, rất nhiều vị trí không cần nhiều đến những kỹ năng cao cấp cũng sẽ được dịch chuyển đến các trung tâm, chi nhánh có chi phí thấp hơn. “Chúng tôi nhận thấy rằng có quá nhiều nhân viên tập trung tại các trung tâm với chi phí duy trì hoạt động rất đắt đỏ, trong khi công việc của họ hoàn toàn có thể đáp ứng từ những chi nhánh khác, với giá cả dễ chịu hơn” – CEO James Gorman của nhà băng Morgan Stanley cho biết.

Sự chuyển dịch này đã và sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu thuế, cũng như cán cân kinh tế tại trung tâm tài chính New York. Từ trước đến nay, các ngành nghề liên quan đến tài chính như ngân hàng hay chứng khoán vẫn đóng góp một lượng thuế khổng lồ cho thành phố đắt đỏ bậc nhất Hoa Kỳ này.

Ngân hàng UBS đầu tháng này cũng vừa cho luân chuyển 2.500 vị trí tới các địa điểm có chi phí rẻ hơn như Ba Lan, Ấn Độ và Trung Quốc. Cùng lúc đó, Deutsche Bank vừa thành lập một chi nhánh mới có rất đông nhân viên ở Jacksonville, bang Florida./.

Ngọc Vũ (theo Business Insider / CNBC)