Nhiệm vụ KH&CN không được trùng lặp với các năm trước
Ngày 19/4, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức Hội thảo khoa học quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Bộ của Bộ Tài chính và định hướng nghiên cứu KH&CN 2019-2021.
Bà Lê Thị Thùy Vân, Trưởng ban Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, qua 15 năm thực hiện quyết định 152/2001/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, hoạt động nghiên cứu khoa học đã đi vào nề nếp, góp phần tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong công tác quản lý và điều hành của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các quy định về quản lý khoa học ngành Tài chính được ban hành từ năm 2001 đến nay đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc.
Quy chế mới đặt ra yêu cầu chung đối với nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ là không trùng lặp về nội dung với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong 3 năm trước liền kề. Kết quả của các nhiệm vụ KH&CN phải có tính khả thi và khả năng ứng dụng; không vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, các phát minh sáng chế trong và ngoài nước đã được các cơ quan bảo hộ sở hữu trí tuệ công nhận; có dự toán kinh phí phù hợp với nhiệm vụ và khả năng nguồn kinh phí NSNN và các quy định về tài chính hiện hành.
Chính vì vậy, mới đây Bộ Tài chính đã có Quyết định ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ của Bộ Tài chính.
Giới thiệu về quy chế mới, bà Vân cho biết, quy chế mới gồm 5 chương và 27 điều. Quy chế mới quy định cụ thể, rõ ràng về quy trình đề xuất nhiệm vụ KH&CN, quy trình tuyển chọn, giao nhiệm vụ KH&CN cho các tổ chức, cá nhân, quy trình kiểm tra, đánh giá và thanh lý hợp đồng KH&CN.
Cụ thể, quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN được thực hiện theo 5 bước: Bước 1: Đề xuất, xác định danh mục; Bước 2: Tuyển chọn, giao trực tiếp, thẩm định kinh phí; Bước 3: Phê duyệt, giao nhiệm vụ; Bước 4: Quản lý, giám sát thực hiện; Bước 5: Thẩm định, đánh giá nghiệm thu, sử dụng kết quả nghiên cứu.
Quy chế mới quy định 2 phương thức giao nhiệm vụ KH&CN là tuyển chọn và giao trực tiếp. Phương thức tuyển chọn áp dụng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhiều tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia.
Phương thức giao trực tiếp áp dụng đối với nhiệm vụ KH&CN thuộc bí mật quốc gia, đặc thù phục vụ an ninh, quốc phòng; nhiệm vụ KH&CN đột xuất; nhiệm vụ KH&CN mà chỉ có một tổ chức có đủ điều kiện về nhân lực, chuyên môn, trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ đó.
Theo bà Vân, quy chế mới đặt ra yêu cầu chung đối với nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ là không trùng lặp về nội dung với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong 3 năm trước liền kề. Kết quả của các nhiệm vụ KH&CN phải có tính khả thi và khả năng ứng dụng; không vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, các phát minh sáng chế trong và ngoài nước đã được các cơ quan bảo hộ sở hữu trí tuệ công nhận; có dự toán kinh phí phù hợp với nhiệm vụ và khả năng nguồn kinh phí NSNN và các quy định về tài chính hiện hành.
Cần nghiên cứu sửa đổi quy trình thủ tục thanh quyết toán
Tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm công tác nghiên cứu KH&CN của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ông Vũ Thắng Phương, Vụ KH&CN, Bộ TN&MT cho biết, toàn bộ quy trình tuyển chọn, giao trực tiếp, đánh giá nghiệm thu, thu nộp sản phẩm… của Bộ TN&MT được thực hiện trực tuyến, góp phần đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phương, mặc dù đã áp dụng chữ ký số đối với toàn bộ thuyết minh và hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, tuy nhiên một vài trường hợp thực hiện phải ký trực tiếp để đáp ứng quy định của kho bạc nên Bộ không thể áp dụng chữ ký số toàn bộ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Ông Phan Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ KH&CN bảo quản, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, để gỡ vướng về thủ tục tài chính cho nhà khoa học khi thực hiện các đề tài, dự án, Bộ KH&CN đã sửa đổi, ban hành các quy định liên quan. Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN và Thông tư 27/2015/ TTLT-BTC-BKHCN được kỳ vọng sẽ "cởi trói" thủ tục thanh toán, quyết toán đề tài, tạo thuận lợi cho nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, để được thanh toán, quyết toán nhiệm vụ KH&CN vẫn phải xây dựng định mức nội dung công việc, xác định được người tham gia, thời gian hoàn thành, các khoản chi rõ ràng. Nếu hoàn thành các nội dung công việc đó, thì đôi khi hồ sơ thanh toán nhiều tài liệu hơn nội dung nghiên cứu khoa học. Mặc dù thông tư 27 quy định khoán đến sản phẩm cuối cùng, nhưng vẫn phải có đầy đủ chứng từ, hóa đơn. Nhiều trường hợp không rõ hóa đơn nào hợp lệ hay không hợp lệ, đến khi thanh quyết toán phải làm lại thủ tục từ đầu, khiến nhà khoa học mất nhiều thời gian.
Do vậy, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề xuất nghiên cứu, sửa đổi quy trình thủ tục thanh quyết toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN bảo đảm phù hợp, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng cơ quan chủ quản chỉ phê duyệt dự toán nhiệm vụ KH&CN với một số hạng mục chi ngân sách như nhân công, vật tư, hóa chất tiêu hao, mua sắm thiết bị, các sản phẩm của nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, đơn vị thực hiện nhiệm vụ KH&CN có toàn quyền chủ động quyết định các khoản chi; hồ sơ thanh toán chỉ cần nghiệm thu các sản phẩm theo đề cương được phê duyệt./.
Bùi Tư