Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 có gì đặc biệt? Thông qua nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 Hà Nội tập trung cao độ hoàn thành giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Ngày 23/2, phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xác định ngành, lĩnh vực kinh tế thế mạnh của thành phố

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn cả nước về kinh tế, văn hóa…, là một động lực phát triển quan trọng của cả nước; là thành phố đông dân thứ 2 cả nước với cơ cấu dân số trẻ có chất lượng cao, ít bị ảnh hưởng của thời tiết cực đoan; vị trí đầu mối giao thông thuận lợi về phát triển giao thông đa dạng…

Quy hoạch Thủ đô: Xem xét kịch bản hình thành đô thị mới phía Bắc sông Hồng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết.

Cụ thể như, vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa hình thành rõ rệt được các ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả cao.

Thành phố còn nhiều tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, mà ba vấn đề lớn là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt. Các tuyến giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa được hình thành đồng bộ, đặc biệt thiếu các trục xuyên tâm Bắc Nam và Đông Tây. Là thành phố không có biển, Hà Nội gặp hạn chế trong cạnh tranh về phát triển dịch vụ, logistics, ảnh hưởng đến độ mở nền kinh tế.

Bên cạnh đó, quy mô dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo do tăng dân số cơ học, việc giãn dân khỏi nội đô là không khả thi, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng và chất lượng sống của người dân.

“Muốn phát triển vững mạnh, TP. Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Quy hoạch Thủ đô: Xem xét kịch bản hình thành đô thị mới phía Bắc sông Hồng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là phiên họp thứ 61 của Hội đồng thẩm định

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến về quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch; về việc xác định các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên…

Theo đó, các đại biểu cho rằng, việc phát triển kinh tế không cần phải tập trung vào nhiều ngành, mà tập trung vào một số ngành có yếu tố nổi trội, lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Ví dụ: Bắc Kinh (Trung Quốc) tập trung phát triển tài chính, văn hoá, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); Băng Cốc (Thái Lan) tập trung vào thế mạnh thương mại, du lịch và y tế… Hà Nội được gợi ý có thể tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang là xu thế của thế giới và là tiềm năng của Hà Nội.

Các đại biểu cũng góp ý về vấn đề phát triển mạnh hơn nữa sản xuất công nghiệp tại khu vực thuộc Hà Tây cũ, tạo điều kiện đẩy nhanh đô thị hóa tại khu vực này, giảm sức ép cho các quận nội thành hiện hữu.

Định hướng dời các cơ quan hành chính Hà Nội sang phía bắc sông Hồng

Đặc biệt, nhiều ý kiến đã đóng góp về định hướng tổ chức không gian phát triển của Thủ đô. Trong đó, có 5 trục động lực phát triển, đặc biệt là trục Sông Hồng, với định hướng dịch chuyển các cơ quan hành chính của Hà Nội sang phía bắc sông Hồng; xem xét vấn đề liên quan đến không gian cho các cơ quan trung ương, ngoại giao quốc tế đặt tại Thủ đô.

Các đại biểu đã cho ý kiến đối với 2 kịch bản về tổ chức và phát triển không gian của Hà Nội. Kịch bản 1 là cấu trúc không gian hệ thống đô thị dựa trên mô hình chùm đô thị đơn tâm. Kịch bản 2 là cấu trúc không gian hệ thống đô thị dựa trên mô hình hệ thống đô thị đa tâm, trong đó ngoài đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, có thể hình thành 1 đô thị mới, đối trọng, song hành phía Bắc sông Hồng, bao gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh.

Về phát triển hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô, các đại biểu góp ý cần phát triển, sử dụng hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông để giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông trong đô thị; việc đầu tư sân bay thứ 2 ở khu vực huyện Phú Xuyên - Ứng Hòa; phát triển hạ tầng số, lựa chọn phương thức giao thông hiện đại, thông minh; giải quyết các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường; đặc biệt là ô nhiễm không khí, bụi mịn khi Hà Nội đang thuộc nhóm các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới…

Quy hoạch Thủ đô: Xem xét kịch bản hình thành đô thị mới phía Bắc sông Hồng
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, hiện thành phố đang thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ lớn để tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới cho thành phố, đó là: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; và Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Về nội dung quy hoạch Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố sẽ sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

“Đặc biệt là phương án phát triển trục sông Hồng - không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Sau khi thảo luận, Hội đồng thẩm định đã xem xét, bỏ phiếu đánh giá thông qua (nhưng phải có chỉnh sửa, bổ sung) với: hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội trình thẩm định; Kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch; và Dự thảo Báo cáo thẩm định để tổng hợp, công bố tại phiên họp của Hội đồng.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Hà Nội xác định còn nhiều việc phải làm để tổ chức bổ sung, hoàn thiện bản Quy hoạch Thủ đô với chất lượng tốt. Đồng thời, sau khi Quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Thành phố sẽ khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch, thực hiện ngay một số dự án, đề án quan trọng với quan điểm “Quy hoạch không phải là một sản phẩm mà là một quá trình”.