LTS

ĐB Lê Trọng Sang phát biểu tại cuộc thảo luận. Ảnh: D.A

Lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch vẫn rất hình thức

Với kinh nghiệm quản lý các địa bàn nóng về xây dựng nhiều năm, ĐB Lê Trọng Sang (Tp.HCM) đã đóng góp nhiều ý kiến thực tế cho dự thảo. Cụ thể, ĐB đề nghị nên tách riêng phần quy hoạch xây dựng và xây dựng thành 2 bộ luật riêng biệt, bởi quy hoạch xây dựng và xây dựng là hai đối tượng điều chỉnh khác nhau, phạm vi điều chỉnh khác nhau.

Đưa ra một ví dụ về bất cập trong quản lý quy hoạch, ĐB Lê Trọng Sang cho biết trong luật hiện nay không có nội dung nào về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm quy hoạch, kể cả cơ quan lập, thẩm định và xét duyệt quy hoạch. “Chính vì phạm vi điều chỉnh quy hoạch không bao phủ đã dẫn đến chất lượng quy hoạch kém trong suốt thời gian qua”, ĐB Sang nói…

Đồng tình với ý kiến của ĐB Lê Trọng Sang, ĐB Võ Thị Dung cho rằng Luật chỉ nên tập trung điều chỉnh chủ yếu về xây dựng, còn quy hoạch nên để vào một luật riêng.

Đối với việc lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng, ĐB Võ Thị Dung cho biết hiện nay có 2 hình thức là lấy ý kiến bằng phiếu và qua hội thảo, mà đa số là lấy ý kiến bằng phiếu. Tuy nhiên, ĐB cho rằng lấy ý kiến bằng phát phiếu như hiện nay không đảm bảo tính chính xác mà cần có các quy định cụ thể.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ĐB Lê Trọng Sang cho rằng việc lấy ý kiến trong dân cư hiện còn rất hình thức. “Luật chưa quy định tỷ lệ bao nhiêu dân cư đồng thuận thì quy hoạch mới có giá trị, vì vậy nếu quy định chung chung sẽ dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân”.

Bên cạnh đó, luật còn có một khoảng hở là chưa quy định rõ về địa điểm, thời điểm niêm yết đồ án, thời gian lấy ý kiến cụ thể. ĐB Lê Trọng Sang cũng đề nghị tăng thời gian lấy ý kiến nhân dân gấp đôi mức hiện nay.

Liên quan đến lựa chọn tư vấn quy hoạch, ĐB Sang cho rằng cần phải đấu thầu công khai, trừ một số dự án không thể chờ đợi, yêu cầu ngay, thì mới có thể được chỉ định thầu theo thẩm quyền của UBND cấp tỉnh hay Chính phủ. “Đã chỉ định thì thường là độc quyền, mà như vậy là thiếu cạnh tranh, không tạo nên sân chơi bình đẳng”.

Đề cập đến việc lạm dụng điều chỉnh quy hoạch xây dựng, ĐB Sang cho biết, thực tế hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch đa số dựa trên sự điều chỉnh dân số bởi dân số trong khu vực đô thị, dân cư thay đổi rất nhanh, nên thường bị lợi dụng để làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch. Vì vậy, cần có quy định cụ thể đến mức bao nhiêu thì được điều chỉnh, hạn chế tối đa việc lợi dụng, lợi ích nhóm.

Cần cuộc "cách mạng" về thủ tục

Một vấn đề được coi là phức tạp trong sửa đổi Luật Xây dựng lần này là cấp phép xây dựng tạm. Thừa nhận đây là một bài toán rất khó đối với các nhà soạn thảo bởi nếu không thận trọng sẽ dẫn đến vỡ quy hoạch, tuy nhiên ĐB Lê Trọng Sang cho rằng, nếu giải quyết tốt vấn đề về quy hoạch xây dựng tạm thì cũng sẽ giải quyết được bài toán quy hoạch treo đang rất lớn ở các đô thị.

Nêu một ví dụ về bất cập trong quy định cấp phép xây dựng tạm, ĐB Sang chỉ ra dự thảo quy định để được cấp phép xây dựng tại điều 93 thì phải đáp ứng các quy định tại điều 92. Tại điều 92 thì lại quy định có hồ sơ xin cấp phép theo điều 94, qua điều 94 thì quy định phải có bản vẽ thiết kế xây dựng chứng minh các điều kiện quy định tại điều 92. Điều này khiến người dân trong khu quy hoạch phải chịu những tầng lớp thủ tục rất nặng nề, không biết đâu mà lần.

Chính vì vậy, ĐB khẳng định cần kết cấu lại điều 93 cho phù hợp thực tiễn, để giải quyết quy hoạch treo, giải quyết bức xúc của người dân trong vấn đề nhà ở. “Nếu không cởi được câu chuyện này thì đừng hòng nói là chúng ta phá được quy hoạch treo, phá băng thị trường bất động sản”.

Về giám sát đầu tư cộng đồng, theo ĐB Võ Thị Dung, quy định trong dự thảo này còn quá mỏng và chung. Việc giám sát đầu tư cộng đồng hiện nay mới làm được với các công trình địa phương đầu tư, còn các công trình lớn thì vẫn khó giám sát. ĐB cho biết Chính phủ đã có Quyết định 80 về giám sát đầu tư cộng đồng, đã thực hiện trên 5 năm. Vì vậy, Luật sửa đổi lần này nên có phần đánh giá lại QĐ 80 để bổ sung những quy định về giám sát cụ thể hơn. Có như vậy, luật mới phát huy được tính giám sát của nhân dân ở địa phương, hạn chế được tiêu cực trong xây dựng.

ĐB Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) cho rằng Luật Xây dựng có quan hệ chặt chẽ với các luật khác như Luật nhà ở, Luật Đất đai, Luật đô thị, vì thế trong dự thảo có nhiều quy định nếu không cẩn thận sẽ nhầm về đối tượng, phạm vi điều chỉnh./.

Dương An