Chiều 15/3, tiếp tục chương trình phiên họp 21, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Hệ thống pháp luật về tài nguyên nước còn bất cập, chồng chéo

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã tạo kết quả tích cực về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, một số quy định của luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác, dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Do đó, cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.

Quan điểm xây dựng luật này là nhằm thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Đồng thời kế thừa các quy định của luật 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương.

Rà soát các quy định tài chính về tài nguyên nước

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành

Trong đó, tại Chương VI về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước (từ Điều 67 đến Điều 74), dự thảo Luật bổ sung mới Điều 68 về thuế, phí về tài nguyên nước theo hướng quy định về thuế tài nguyên liên quan đến tài nguyên nước; giá tính thuế tài nguyên. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác nước đối với mục đích sinh hoạt, nông nghiệp có mục đích thương mại tại Điều 69; bổ sung mới Điều 70 về dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định cụ thể các dịch vụ; nguyên tắc chi trả dịch vụ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong cung cấp dịch vụ.

Tại Điều 72, bổ sung mới về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước; các hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước được ưu đãi, hỗ trợ.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, thực tế hệ thống pháp luật về tài nguyên nước vẫn còn bất cập, chồng chéo, chưa rõ cơ chế phối hợp, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan liên quan, gây khó khăn cho quá trình thực thi, triển khai, áp dụng. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa tháo gỡ được các khó khăn này. Do đó, cần có những quy định phân định rõ trách nhiệm, đảm bảo sự thống nhất, tính khả thi trong quy định pháp luật.

Về phạm vi điều chỉnh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh với các luật khác có liên quan như Luật Khoáng sản, Luật Biển Việt Nam để đảm bảo không chồng chéo.

Liên quan đến thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước và chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá quy định này khá là chung chung, chưa phù hợp, đề nghị cần tổng kết thực tiễn, quy định thẩm quyền cụ thể trên tinh thần phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường cấp tỉnh một cách rõ ràng.

Giá nước có thể tùy theo mức độ khan hiếm tài nguyên nước

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cơ quan soạn thảo báo cáo rõ thêm về quy định liên quan tới các tổ chức, cá nhân được điều tra cơ bản về tài nguyên nước. Theo đó, cần làm rõ điều kiện sử dụng ngân sách nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân để tham gia vào điều tra cơ bản tài nguyên nước, cũng như cơ chế để các cơ quan có chức năng thẩm tra, thẩm định kết quả điều tra cơ bản cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về tài nguyên nước.

Lưu ý Luật Tài nguyên nước có liên quan đến 11 luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ đây là luật khung hay luật chi tiết để có phương án sửa đổi bổ sung phù hợp, đồng thời bày tỏ quan điểm nên xác định Luật Tài nguyên nước là luật chi tiết, hạn chế các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết.

Rà soát các quy định tài chính về tài nguyên nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến nội dung thuế, phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Phú Cường nêu rõ, các nội dung liên quan đến thuế, phí đã được quy định tại các luật chuyên ngành về thuế phí. Tại Điều 68 của dự thảo luật chủ yếu dẫn chiếu các luật về thuế, phí như Luật Thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường… Như vậy, quy định Điều 68 của dự thảo luật không cần thiết.

Đối với khoản 1 Điều 72 dự thảo quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển tích trữ nước và nguồn phục hồi, Chủ nhiệm UBTCNS cho rằng, các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi miễn, giảm thuế, mức độ, phạm vi ưu đãi… được quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, thuế, vì vậy, đề nghị cân nhắc nội dung tại khoản 1 Điều 72. Ngoài ra, về nguồn lực bảo vệ, phát triển nguồn nước tại Điều 3, đây là nội dung liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước nên việc bố trí ngân sách phải căn cứ vào khả năng ngân sách và yêu cầu nhiệm vụ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, có trách nhiệm cao. Nêu rõ trong tổng số 88 điều của dự thảo luật có đến 33 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cố gắng rà soát để quy định chi tiết các nội dung có thể ngay trong luật.

Về chính sách tài chính với tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội tán thành với ý kiến của UBTCNS là cần tiếp tục đối chiếu, rà soát quy định về giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định pháp luật về thuế, giá. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, giá nước không chỉ là vấn đề mục đích sử dụng, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế - xã hội trong khu vực, mà còn theo mức độ khan hiếm tài nguyên nước ở khu vực. Do đó, các luật thuế cũng phải nghiên cứu có những tỷ lệ thuế suất khác nhau, nhất là những nơi khan hiếm tài nguyên nước thì phải đánh thuế cao./.