Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 14/2025/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 14).
Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/9, các ngân hàng có quyền đăng ký áp dụng phương pháp tiêu chuẩn hoặc phương pháp xếp hạng nội bộ cho rủi ro tín dụng để tính tỷ lệ an toàn vốn theo các quy định tại Thông tư. Kể từ ngày 1/1/2030, tất cả các ngân hàng không thực hiện đăng ký áp dụng phương pháp tiêu chuẩn hoặc chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ sẽ phải thực hiện tính tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này. |
Thông tư số 14 gồm 08 chương, 82 điều và 8 phụ lục. Thông tư 14 được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa một số nội dung của Thông tư 41 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2022, 2023 quy định định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đồng thời nghiên cứu các hướng dẫn mới nhất của Ủy ban Basel, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các quy định phù hợp với đặc điểm của các ngân hàng tại Việt Nam.
Thông tư 14 hướng dẫn cách xác định và giá trị tối thiểu của các tỷ lệ an toàn vốn mà các ngân hàng cần phải duy trì gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Thông tư lần đầu đưa ra các quy định về các bộ đệm vốn gồm bộ đệm bảo toàn vốn (CCB), bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB) và bộ đệm vốn cho các ngân hàng thương mại có tầm quan trọng hệ thống.
Khoản 5 Điều 5 về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 14 nêu rõ, ngoài các tỷ lệ bắt buộc phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này (tỷ lệ vốn lõi cấp 1 ≥ 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 ≥ 6% và tỷ lệ an toàn vốn CAR ≥ 8%), ngân hàng thực hiện tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn (Capital conservation buffer - CCB) theo quy định.
"Ngân hàng chỉ được phân chia phần lợi nhuận còn lại do ngân hàng tự quyết định theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính bằng tiền mặt khi duy trì việc đáp ứng toàn bộ các tỷ lệ theo các năm" - Điểm b Khoản 5 Điều 5 chỉ rõ.
![]() |
Khoản 5 Điều 5 về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 14 quy định về tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn CCB. Ảnh: T.L. |
Điều này tức là sau khi đáp ứng đủ các tỷ lệ an toàn vốn, ngân hàng phải đảm bảo duy trì tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn (CCB). Chỉ khi duy trì đủ bộ đệm này, ngân hàng mới được chia phần lợi nhuận còn lại bằng tiền mặt, bao gồm cả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Thông tư 14 cũng đưa ra hướng dẫn cách tính tài sản có rủi ro tín dụng theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp xếp hạng nội bộ. Trong đó, phương pháp tiêu chuẩn tại Thông tư giống phương pháp hiện được các ngân hàng áp dụng theo Thông tư 41, nhưng điều chỉnh một số nội dung như khoản phải đòi bất động sản, khoản cấp tín dụng chuyên biệt.
Phương pháp xếp hạng nội bộ của Thông tư cũng đưa quy định về tính tổng tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng, phân loại tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng, cách xác định cấu phần để tính tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng cho từng loại tài sản, quy định về tổn thất dự kiến và dự phòng rủi ro, các yêu cầu tối thiểu của phương pháp xếp hạng nội bộ.
Một điểm mới nữa của Thông tư 14 là việc cập nhật các yêu cầu cho rủi ro hoạt động theo hướng dẫn mới của Ủy ban Basel. Thông tư ngoài việc đưa ra cách xác định vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động còn quy định về thu thập và xử lý dữ liệu tổn thất. Các nội dung còn lại như quy định về tài sản có rủi ro tín dụng đối tác, vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường được giữ nguyên như các quy định tại Thông tư 41.
Kể từ ngày 1/1/2030, Thông tư 14 bãi bỏ các quy định tại: Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 41); Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2022/TT-NHNN ngày 31/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 22/2023/TT-NHNN ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài./.