Ngày 16/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) chính thức công bố và ra mắt Ủy ban Rủi ro trực thuộc Hội đồng Hiệp hội.
Ủy ban Rủi ro được kiện toàn dựa trên nền tảng Câu lạc bộ Rủi ro đã hoạt động hiệu quả trước đó. Ủy ban gồm 15 thành viên là các lãnh đạo cấp cao, chuyên gia đầu ngành về quản trị rủi ro từ các ngân hàng lớn như VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, Sacombank...
Theo quyết định được công bố, ông Lê Thanh Tùng - Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank, giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban; 4 Phó Chủ nhiệm Ủy ban gồm lãnh đạo từ Agribank, BIDV, Vietcombank và MBBank. Nhiệm kỳ của Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm là 2,5 năm.
![]() |
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) chính thức công bố và ra mắt Ủy ban Rủi ro trực thuộc Hội đồng Hiệp hội. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Rủi ro là tham mưu, tư vấn cho Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra các khuyến nghị về chính sách, chiến lược quản trị rủi ro.
Đồng thời, Ủy ban cũng sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong việc triển khai các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực quản trị và ứng phó với những thách thức mới trong bối cảnh kinh tế - tài chính ngày càng biến động.
Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các biện pháp và công cụ giám sát nhằm đánh giá mức độ tuân thủ của các ngân hàng trong việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến quản trị rủi ro, đặc biệt là tuân thủ theo tiêu chuẩn Basel III. Đây là một trong những định hướng quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh nhiều thách thức mới đang đặt ra. |
Cùng ngày, Ủy ban Rủi ro tổ chức Hội thảo “Tăng cường năng lực quản trị rủi ro ngân hàng: Tầm nhìn mới từ dự thảo sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-NHNN và Thông tư 41/2016/TT-NHNN”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV, Phó chủ nhiệm Ủy ban rủi ro Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá sâu rộng, ngành ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và tăng sức chống chịu trước các cú sốc thị trường.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tích cực xây dựng khung pháp lý mới nhằm luật hoá các yêu cầu cốt lõi trong Basel III trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thông qua hai dự thảo thông tư quan trọng, đó là dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại và dự thảo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại.
Thông tư 14/2025/TT-NHNN ngày 30/6/2025 quy định tỷ lệ an toàn vốn cho ngân hàng thương mại từ ngày 15/9/2025. Kể từ ngày 1/1/2030, Thông tư này bãi bỏ các quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Giai đoạn 2025 - 2027, Ủy ban Rủi ro tập trung 3 trụ cột chính, đó là: tư vấn chính sách, góp ý hoàn thiện hành lang pháp lý (như Thông tư 13, Thông tư 41); tổ chức hội thảo, đào tạo, chia sẻ kỹ thuật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy nhận diện, phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực quản trị cho toàn hệ thống.
Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, việc triển khai Basel III là xu thế tất yếu, mang lại cơ hội và thách thức cho các ngân hàng và thị trường Việt Nam nhằm nâng cao năng lực vốn, kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng trong những tình huống xấu nhất và quản lý rủi ro thanh khoản, từ đó mở rộng cánh cửa hội nhập vào thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, một số thách thức mà các ngân hàng thương mại phải đối diện khi triển khai Basel III. Điển hình là thách thức về nguồn vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR) cũng như các mức đệm dự phòng theo chuẩn mực mới, trong đó, tỷ lệ an toàn vốn và các bộ đệm cũng tăng lên tới tối thiểu 10,5%; về dữ liệu định lượng chất lượng cao hay thách thức trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cấu trúc nguồn vốn để phù hợp với việc áp dụng các tỷ lệ thanh khoản theo Basel III./.