Nhà nước in sách giáo khoa để chống lãng phí hàng nghìn tỷ đồng/năm

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đồng Nai), Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quy định rõ việc biên soạn một bộ sách giáo khoa là trách nhiệm của Nhà nước.

Sách giáo khoa làm “nóng” nghị trường
Đại biểu Nguyễn Công Long: Mỗi năm, người dân phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua sách chính là sự lãng phí rất lớn.

“Nếu ngay từ đầu thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Nghị quyết 88/2014/QH13 thì có lẽ tình hình đã khác bởi các quy định của Nghị quyết bảo đảm cho việc ban hành, in ấn, phát hành và đảm bảo rẻ nhất đến tay học sinh. Nếu triển khai đúng thì sẽ không có tình trạng từ trách nhiệm của nhà nước đến tay doanh nghiệp độc quyền” - đại biểu Nguyễn Công Long khẳng định.

Theo đại biểu, các ý kiến tranh luận đề cập đến con số chi phí phải bỏ ra nhưng lại quên đi chi phí lớn mà người dân phải chi trả cho sách giáo khoa. Mỗi năm, người dân phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua sách chính là sự lãng phí rất lớn.

Trong các báo cáo sử dụng cụm từ “sức chống chịu của nền kinh tế”, chính là dựa vào sức dân. Nếu không có những chính sách trong những vấn đề cụ thể như vấn đề này thì sức chống chịu của người dân được đến bao giờ. Do đó, đại biểu khẩn thiết đề nghị cần có kế hoạch thực hiện nghiêm Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, đây là một trong những điểm nhấn và cũng là một trong những thành công lớn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, qua giám sát, đoàn giám sát nhận thấy rằng vẫn rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc xây dựng nội dung, chương trình, sách giáo khoa. “Không phải là chúng ta không tin tưởng vào những sách giáo khoa xã hội hóa. Tuy nhiên, cần phải có một bộ sách giáo khoa để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống. Khi cần thiết vẫn có thể đảm bảo được đến đầu năm học mới có sách giáo khoa” - bà Hoa giải thích.

Xã hội hóa, ngân sách tiết kiệm bao nhiêu tiền từ in sách giáo khoa?

Trái với kiến nghị này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) lại cho rằng, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các sách giáo khoa phục vụ cho cải cách giáo dục. Đồng thời huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.

Theo đại biểu, xã hội hóa đang được tiến hành tốt như vậy thì ban đầu bao giờ cũng có những trục trặc nhất định. “Nếu nay lại đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn bộ sách giáo khoa nữa thì liệu có giải quyết được những vấn đề mà hiện nay là đang đặt ra hay không?” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.

Sách giáo khoa làm “nóng” nghị trường
Giới chuyên gia cũng có nhiều ý kiến đề nghị nên có một bộ sách giáo khoa chuẩn do Nhà nước biên soạn.

Cũng theo vị đại biểu này, những vấn đề về giá thì có thể khắc phục như trợ cấp hay huy động để cho mượn sách giáo khoa, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa, mà không phải thay thế bằng cách có thêm một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Tại kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã nhận được báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13, Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Về cơ bản báo cáo đã đánh giá một cách khách quan, công bằng những thành công của việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thực hiện triển khai.

Báo cáo giám sát có nêu số liệu trong giai đoạn 2015-2022, Chính phủ đã bố trí 213.449 tỷ đồng cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, trong đó chi thường xuyên 81.770 tỷ đồng chiếm 38,3%, chi đầu tư là 131.679 tỷ đồng chiếm 61,7%.

Có đại biểu đề nghị các cơ quan cung cấp số liệu này cho biết mức chi nói trên vượt bao nhiêu so với chi bình thường hàng năm cho giáo dục phổ thông theo quy định. Thực sự mức chi phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu, gồm những khoản nào? Bởi vì, nếu không bóc tách rành mạch, rõ ràng thì con số khổng lồ này có thể gây hiểu lầm về cách Chính phủ chi tiêu ngân sách và kinh phí đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Có ý kiến đề nghị làm rõ, chi phí cho sách giáo khóa thì đóng góp của các doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp tư nhân) là bao nhiêu? Chi phí từ ngân sách nhà nước là bao nhiêu? Nhờ xã hội hoá, Nhà nước đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền?

Một số ý kiến đồng tình khi cho rằng, không tán thành việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/2014/QH13, bởi vì không phù hợp với thực tế chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Trên thực tế, việc triển khai đã đạt được những kết quả và đang thuận lợi.

Theo đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La), với trách nhiệm của cơ quan thường trực của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục khẳng định đảm bảo số liệu được thể hiện trong báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát.

Các số liệu này cũng đã được thống nhất tại các phiên làm việc với các bộ, ngành và phiên làm việc với Chính phủ, không có ý kiến gì khác. Đại biểu Đinh Công Sỹ xác nhận và khẳng định tính trung thực và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước việc tổng hợp số liệu báo cáo của Chính phủ để các đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được biết./.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:

Đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới

Cuối buổi sáng ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận hệ thống sách giáo khoa cơ bản được biên soạn, phê duyệt, phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục…

Về việc soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần làm là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Về vấn đề được giao, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có đánh giá tổng thể, sâu sắc về vấn đề này và sẽ có đề đạt phương án với Quốc hội./.