Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị ngày 25/6.
>> Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Thiếu cơ chế điều phối đủ mạnh >> Dự án đầu tư vùng Bắc Bộ tốn kém, kéo dài hơn các nơi khác
Nghiên cứu nghiêm túc để "vùng đất vàng" thu hút vốn đầu tư hiệu quả hơn
Phát biểu tại Hội nghị phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà 7 tỉnh, thành phố vùng KTTĐ Bắc Bộ đạt được thời gian qua. Cụ thể, vùng chiếm trên 32% GDP cả nước. Toàn bộ các tỉnh, thành có điều tiết ngân sách về trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch một cách căn bản từ nông nghiệp là chính sang công nghiệp. Qua đó, đời sống nhân dân được cải thiện, trật tự, an ninh xã hội cơ bản tốt so với cả nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ những bất cập của vùng như: Ngành dịch vụ tuy là lợi thế song tốc độ phát triển chưa cao, chưa bền vững, nhất là dịch vụ chất lượng cao. Cơ cấu nông nghiệp tuy giảm, nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, liên kết yếu, trình độ canh tác, chế biến còn lạc hậu.
Tình trạng ô nhiễm môi trường phức tạp, di dân lớn vào Hà Nội gây quá tải. Công nghiệp cao, công nghiệp hỗ trợ, logistic phát triển chưa tương xứng. Gắn kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp (DN) trong nước còn hạn chế, chưa lan toả. 65% vốn FDI tập trung vào các ngành nhiều ưu đãi đầu tư, nhân công rẻ.
EVFTA sẽ được ký vào ngày 30/6
Thủ tướng cũng cho biết thêm, ngày 30/6 tới đây dự kiến chúng ta sẽ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mở ra thị trường quan trọng trong hợp tác thương mại đầu tư. Đây cũng là thời cơ lớn cho Vùng KTTĐ Bắc Bộ hội nhập sâu hơn, tham gia thị trường rộng lớn hơn.
Cấu trúc không gian phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ còn hình thành thụ động, chưa rõ nét theo định hướng. Đơn cử như Hà Nội chậm phát triển các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Xuân Mai. Hải Phòng và Quảng Ninh được quy hoạch là khu du lịch mang tầm cỡ vùng và quốc gia nhưng chưa được tập trung đầu tư...
Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải nghiên cứu nghiêm túc để "vùng đất vàng" thu hút vốn đầu tư hiệu quả hơn, đặc biệt là thu hút công nghệ, vốn là khâu yếu của chúng ta. Đồng thời, tính toán quy hoạch, hạ tầng, cơ chế điều hành hiệu quả để phát triển bền vững, giá trị gia tăng cao.
Ghi nhận ý kiến cần tính toán lại số lượng địa phương tham gia vùng, Thủ tướng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu việc phân chia lại vùng kinh tế, từ 6 vùng và 4 vùng KTTĐ trước đây thành 7 vùng với 2 vùng KTTĐ.
Định hướng phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, văn hoá và kinh tế xã hội của cả nước, là đầu kéo phát triển kinh tế quốc gia. Trong đó, những ngành nghề trụ cột ưu tiên phải được làm rõ hơn về quy hoạch, danh mục, kết cấu; xây dựng cơ chế liên kết vùng, phối hợp vùng trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn.
"Mục tiêu của vùng kinh tế phía Bắc phải là đi đầu trong đổi mới công nghệ, sáng tạo, phát triển kinh tế, đảm bảo là vùng trọng điểm trong phát triển" - Thủ tướng nhấn mạnh.
72% nhân lực trình độ trên đại học ở vùng KTTĐ Bắc Bộ
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, Vùng KTTĐ Bắc Bộ cần tập trung vào 3 lợi thế mà ít vùng nào có được. Cụ thể:
Thứ nhất, về nhân lực, vùng có 26% cán bộ có trình độ cao đẳng, 72% cán bộ có trình độ trên đại học, 23,6% lao động kỹ thuật của cả nước. Đây là nguồn lực lớn để phát triển.
Thứ 2, vùng có lịch sử phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước, tập trung nhiều cơ sở công nghiệp mang ý nghĩa chiến lược quốc gia.
Thứ 3 là hệ thống kết nối giao thông mạnh nhất trong cả nước với đủ các loại phương tiện, hạ tầng giao thông và không chỉ kết nối trong vùng, kết nối với vùng khác mà còn kết nối các hành lang, vành đai kinh tế như vành đai vịnh Bắc Bộ; hành lang kinh tế từ Côn Minh đi Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Tuy nhiên, vùng cũng có những vấn đề tồn tại cần rà soát, đánh giá để khắc phục. Đó là GRDP vượt mục tiêu đề ra nhưng tốc độ tăng thu ngân sách thấp hơn so với cả nước. Theo Phó Thủ tướng, cần có cơ chế, chính sách mở rộng cơ sở thu, bồi dưỡng nguồn thu và đặc biệt là chống xói mòn cơ sở thuế.
Đồng thời, trong khi cả nước xuất siêu thì toàn bộ vùng nhập siêu rất nặng. Trong giai đoạn 2016 - 2018, vùng nhập siêu đến 40,78 tỷ USD trong khi cả nước xuất siêu 10,69 tỷ USD.
Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng và mức lan tỏa của vùng chưa rõ nét, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu từ DN FDI. Vùng cũng còn chưa có cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển, thiếu giải pháp kết nối hai vành đai kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh…
Từ những vấn đề này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp quan trọng cần thực hiện trong đó có việc xây dựng quy hoạch vùng, xác định danh mục các dự án hạ tầng giao thông và kinh tế xã hội theo thứ tự ưu tiên.
Cuối tháng 6 tới, Thủ tướng sẽ ký chỉ thị về xây dựng kết hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2025, nếu vùng không xác định sớm để trình Quốc hội thì không có cơ sở để thực hiện, Phó Thủ tướng lưu ý thêm./.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, việc phân vùng KTTĐ Bắc Bộ chỉ có 7 tỉnh thành đã có từ rất lâu. Hiện chúng ta có điều kiện khác, thách thức khác, giao thông tốt hơn nên cần xem xét lại việc phân vùng cho hợp lý. Về đầu tư ở các địa phương, ông Nguyễn Mại cho rằng, nhược điểm lớn là không có vóc dáng, dấu ấn của vùng. Địa phương nào cũng có rất nhiều khu công nghiệp, song đều "na ná" nhau. Do đó, ông đề nghị sắp tới cần có sự có phân công hợp tác giữa các địa phương để có các khu công nghiệp chuyên biệt cho phát triển. Làm được như vậy sẽ không còn trùng lắp giữa các khu công nghiệp, mà có sự chuyên biệt theo chuỗi giá trị, ví dụ như khu công nghiệp dệt may, công nghệ thông tin… như vậy vừa đảm bảo tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo được sự phân công hợp tác hiệu quả trong vùng. |
Hoàng Yến