Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng bền vững

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) qua 15 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Luật thuế GTGT đã có những thay đổi theo đúng định hướng; giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Luật thuế GTGT đã giảm bớt các nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, tạo điều kiện cho việc tính thuế, khấu trừ thuế được liên hoàn giữa các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh; sắp xếp, điều chỉnh hợp lý hơn các nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% và 10%. Các chính sách nêu trên đã góp phần nâng cao sự minh bạch về chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý của cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế

T.S Nguyễn Minh phong cho biết, ông đánh giá cao những đề xuất của Bộ Tài chính, bởi ngoài việc sửa đổi về mức thuế, tại dự thảo luật này sẽ sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạtđộng sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý.

Luật thuế GTGT quy định mức ngưỡng doanh thu 1 tỷ đồng để áp dụng phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phù hợp với thông lệ quốc tế, đơn giản hoá cách tính thuế đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng đã góp phần giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Đồng thời, giảm chi phí, thời gian kê khai, nộp thuế GTGT đối với người nộp thuế và chi phí quản lý của cơ quan thuế. Quy định này đã hạn chế việc một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp để nhằm mua bán hoá đơn, lợi dụng hoá đơn khống để khấu trừ, hoàn thuế, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Luật thuế GTGT quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí khai nộp thuế và giảm chi phí hành thu của cơ quan thuế, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế GTGT đã góp phần quan trọng, ổn định, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho NSNN; cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Thuế GTGT tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong động viên vào NSNN.

Đây là sắc thuế có số thu lớn nhất trong hệ thống thu NSNN của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, hiệu suất thu tốt của thuế GTGT góp phần đảm bảo cân đối cơ bản cho thu chi NSNN. Ngoài ra, thuế GTGT được nộp vào ngân sách kịp thời (hàng tháng, hàng quý kế tiếp tháng, quý phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ) nên thuế GTGT tạo dòng tiền đều cho ngân sách.

Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần phải sửa đổi. Việc sửa đổi Luật thuế GTGT thực hiện theo các quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế.

Việc sửa luật được đặt ra thời điểm này do thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế hội nhập trước mắt, cũng như lâu dài đặt ra; tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thuế GTGT hiện hành.

Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế
Ảnh minh họa

Dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành, nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, dự thảo Luật giữ nguyên nội dung quy định tại 5 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh; thuế GTGT; đối tượng chịu thuế; căn cứ tính thuế; phương pháp tính thuế.

Đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung, Dự thảo Luật đã bám sát theo 5 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý gồm: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT...

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm khắc phục những bất cập hiện nay do thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề mới. TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, ông đánh giá cao những đề xuất của Bộ Tài chính, bởi ngoài việc sửa đổi về mức thuế, tại dự thảo luật này sẽ sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý.

“Nhìn thẳng vào vấn đề để rà soát”

Luật Thuế GTGT đã được sửa đổi nhiều lần, tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng thời gian tới, chính sách thuế GTGT đã phát sinh một số hạn chế nhất định.

Theo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật do Bộ Tài chính trình, đã được Chính phủ xem xét, thông qua với 5 nhóm chính sách. Trong đó có hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; quy định về giá tính thuế GTGT; quy định về thuế suất thuế GTGT; quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào và quy định về hoàn thuế GTGT.

Trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật phải tính toán tổng thể pháp luật về thuế, "không phải chỉ có riêng thuế GTGT" để đảm bảo tính đồng bộ. Chủ tịch Quốc hội khi đó đã đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về mặt hàng chịu thuế GTGT đối với nông sản. Đây là nội dung phức tạp, từng phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan đến hóa đơn GTGT đối với mặt hàng như cà phê, tôm, cá.

Mặt khác, quy định về thuế GTGT nằm ở nhiều nghị định khác nhau nên cần rà soát luật hóa tối đa. "Hoàn thuế GTGT cũng là vấn đề cần được quan tâm, thuế GTGT là nội dung phức tạp vô cùng, cần nhìn thẳng vào các vấn đề để rà soát" - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Theo Bộ Tài chính, dự án Luật trình Bộ Tư pháp thẩm định đã thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 28 của UBTVQH (ngày 18/12/2023) “Quy định về thuế GTGT nằm ở nhiều nghị định khác nhau, nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống nhất là đối với luật về thuế”. Dự thảo Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật đối với 4 nhóm chính sách là: người nộp thuế, thời điểm xác định thuế GTGT, phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp.

Luật Thuế GTGT (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024)./.