bo

Nhân dân và nhiều nhà tư sản hăng hái đóng góp ủng hộ “Quỹ Độc lập” (Ảnh tư liệu).

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập đã phải đối phó với vô vàn khó khăn, thách thức bởi sự hoành hành của nạn “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm luôn rình rập, đe dọa sự tồn vong của dân tộc và nền độc lập nước nhà. Giành được chính quyền đã khó, giữ vững chính quyền cách mạng và bảo vệ nền độc lập của đất nước trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” đối với Chính phủ non trẻ càng trở nên khó khăn gấp bội.

Nhu cầu chi tiêu cấp bách nhưng khả năng tài chính vô cùng eo hẹp khi ngân khố trung ương gần như trống rỗng… nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính cách mạng non trẻ hết sức nặng nề. Nhưng với quan điểm lấy dân làm gốc, xây dựng chính sách tài chính linh hoạt, dựa vào dân để huy động nguồn lực tài chính đã giúp cho chính quyền cách mạng không chỉ từng bước vượt qua mọi khó khăn thử thách mà còn giữ vững được độc lập chủ quyền, đánh bại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.

Nhân dân tự nguyện đóng góp 2 ngày bằng cả năm thu thuế

Nạn đói kinh hoàng đầu năm 1945 cướp đi sinh mạng của 1/5 dân số miền Bắc (gần 2 triệu người) và gần 3/4 số lượng trâu bò trong cả nước chưa chấm dứt thì tháng 8/1945, trận lụt lớn nhất thế kỷ 20 bao trùm khắp Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phá vỡ hàng loạt hệ thống đê điều ở miền Bắc, nước ngập phá hủy 40% diện tích vụ lúa mùa vừa cấy xong ở Bắc Bộ.

Họa vô đơn chí, ngay sau trận lụt lịch sử, từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1945, cả Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gần như không có 1 trận mưa, ruộng đồng từ chỗ nước ngập mênh mông nay chuyển sang khô cằn nứt nẻ. Lúa cấy lần đầu bị chết vì ngập úng thì lúa cấy lại lần 2 lại chết khô vì hạn. Lụt lội và hạn hán đã làm tiêu tan gần hết số lúa giống đã gieo trồng. Mùa màng thất bát báo hiệu một nạn đói thê thảm tiếp tục diễn ra…

Cách mạng thắng lợi chưa được bao lâu, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế, tài chính: Quốc khố gần như trống rỗng, kinh tế kiệt quệ, chưa thu được thuế, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có tới 580 nghìn đồng rách nát đang chờ tiêu huỷ, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng… Những khó khăn tài chính càng thêm chất chồng khi quân Tưởng ép chúng ta sử dụng tiền Quan kim, Quốc tệ. Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cách mạng cần nhanh chóng có biện pháp bảo đảm tài chính tạo cơ sở vững chắc để có thể tiến hành các nhiệm vụ cách mạng quan trọng tiếp theo.

Với quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân để huy động nguồn lực tài chính, chỉ 2 ngày sau khi tuyên bố Độc lập, Chính phủ đã đặt ra “Quỹ Độc lập”, phát động “Tuần lễ Vàng” để động viên nhân dân tự nguyện đóng góp ủng hộ nền độc lập quốc gia. Thông qua “Tuần lễ Vàng” Chính phủ đã quyên góp được khoảng 20 triệu đồng và 370 kilogam vàng tương đương số thuế thu được trong một năm dưới chế độ cũ.

Những kết quả thu được từ “Tuần lễ Vàng” cuối mùa thu Ất Dậu 1945 không chỉ có ý nghĩa to lớn về tài chính mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, giải quyết từng bước các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo. Đồng thời, đây còn là cơ sở để cuối tháng 1/1946 chúng ta phát hành đồng tiền Việt Nam - khẳng định một nền tài chính, tiền tệ của một đất nước độc lập. Mặt khác, những kết quả đó còn góp phần quan trọng nâng cao uy tín của chính quyền cách mạng non trẻ trước quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, nhất là các nhà tư sản dân tộc, các điền chủ yêu nước… để họ thực sự là “bầu bạn của cách mạng”, qua đó đoàn kết mọi lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp để củng cố, giữ vững thành quả cách mạng. Đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuần lễ Vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do, độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc”.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Chính phủ chủ trương rút ra khỏi thành thị, củng cố nông thôn, dựa vào nông thôn để chiến đấu dưới hình thái chiến tranh nhân dân và phân tán. Khi nguồn thu từ các sắc thuế không đáng kể, việc in và phát hành tiền gặp nhiều khó khăn trước sự phá hoại và bao vây của kẻ thù đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được chính sách tài chính hợp lý vừa để đảm bảo duy trì hoạt động của hệ thống chính quyền, vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu chi tiêu cho kháng chiến. Vì vậy, chính sách tài chính cũng chuyển từ tài chính tập trung sang tài chính phân tán. Mỗi địa phương phải tự cung tự cấp các khoản chi tiêu bằng cách dựa vào nhân dân địa phương, động viên nhân dân ủng hộ kháng chiến, Chính phủ trung ương chỉ trợ cấp một phần.

Bên cạnh việc mở rộng các hình thức đóng góp tự nguyện để huy động nguồn lực từ nhân dân như: “Hũ gạo nuôi quân”, “Quỹ mùa đông binh sỹ”, “Bán thóc khao quân”, “Giúp binh sỹ bị nạn”, “Giúp đồng bào tản cư”, “Quỹ bình dân học vụ”, “Đón thương binh về làng”, “Đỡ đầu bộ đội”… Chính phủ từng bước thực hiện những hình thức đóng góp ổn định theo nghĩa vụ như chế độ Đảm phụ quốc phòng, Quỹ tham gia kháng chiến. Dù huy động dưới hình thức nào, nhân dân cũng đều tin tưởng và nhiệt tình hưởng ứng.

Công trái Quốc gia bản vị thóc - sáng kiến độc đáo của Bộ Tài chính

Trong giai đoạn kháng chiến, chủ trương được Chính phủ đặt ra là động viên sự đóng góp của nhân dân sao cho công bằng, hợp lý, huy động người giàu đóng góp nhiều hơn người nghèo. Bên cạnh đó, chuyển hướng từ đóng góp, huy động bằng tiền mặt sang hiện vật mà chủ yếu là bằng thóc để tránh sự ảnh hưởng của lạm phát, giảm giá trị đồng bạc, bảo đảm cho bộ đội ăn no, đánh thắng và cung cấp đủ lương thực cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước.

Sau đợt phát hành Công trái ở Nam Bộ (còn gọi là Công thải) và phát hành Công phiếu kháng chiến để vay tiền trong nhân dân, ngày 19/9/1950, Chính phủ đã phát hành Công trái Quốc gia ghi mệnh giá bằng thóc. Tổng số Công trái phát hành là 100.000 tấn thóc với 5 loại A,B,C,D,E tương ứng với số thóc 10kg, 50kg, 100kg, 500kg và 1.000kg.

công trái
Công trái Quốc gia loại D - 500kg thóc.

Trong bối cảnh giá cả tăng vọt, thóc là sản vật căn bản đảm bảo đời sống nhân dân nên cần phải chọn làm “Bản vị” (vật quy đổi). Các tờ Công trái Quốc gia được ghi mệnh giá bằng thóc, nhưng khi thu thì thu bằng tiền quy đổi theo giá thóc thực tế tại các địa phương. Đây là sáng kiến linh hoạt của Bộ Tài chính nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân dân, nhờ đó đã huy động được nguồn lực tài chính trong nhân dân, có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi chúng ta chuyển từ giai đoạn “cầm cự” sang “tổng phản công”, tổng động viên toàn lực, thực hiện khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đã viết Lời hiệu triệu gửi đồng bào cả nước nhân dịp phát hành Công trái Quốc gia.

CT2
Người dân hăng hái tham gia mua Công trái Quốc gia.

Khi lòng dân đã thuận, người giàu ủng hộ theo cách của người giàu, người nghèo cũng có nhiều cách ủng hộ của người nghèo, cái gì dân tự nguyện bỏ ra giúp cho kháng chiến cũng đều là ủng hộ. Một ấm nước chè xanh đun vội mời bộ đội qua đường mẹ cũng nói mẹ ủng hộ các con. Ôm mớ ngô đang bẻ dưới ruộng chạy theo đưa cho các chiến sĩ, mẹ bảo chẳng có gì, mẹ chỉ có mấy bắp ngô ủng hộ các con, nghỉ đâu xin củi người ta nướng lên mà ăn cho đỡ đói lòng…

Bộ đội, cán bộ đi đến đâu, không đủ tiền mua thức ăn, đơn vị không tổ chức được việc nuôi dưỡng thì ban chỉ huy liên hệ với địa phương, địa phương đứng ra giúp đỡ, ủng hộ. Từ “ủng hộ” trở thành một danh từ rất phổ biến trong thời kỳ kháng chiến, nó không chỉ mang ý nghĩa về nguồn lực tài chính mà còn chứa đựng niềm tin và tình cảm sâu sắc của nhân dân.

Có thể nói, trong muôn vàn khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã xây dựng được một nền “Tài chính Nhân dân” thực sự đúng nghĩa. Những đóng góp, hy sinh của toàn dân Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến không thể đo đếm đơn giản bằng những con số thống kê mà ẩn sâu trong đó là tình cảm, là nguyện vọng, là ý chí của nhân dân ta với Cách mạng, với Chính phủ, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Độc lập tự do… như lời kể của bà Hoàng Thị Minh Hồ - một nhà tư sản yêu nước ở Hà Nội: “Khi đó chúng tôi không hề có ý nghĩ tiếc tiền mà chỉ mong sao giúp được Tổ quốc, giúp được Chính phủ Cụ Hồ, góp sức giữ vững được nền độc lập. Chúng tôi không thể ra chiến trường chiến đấu như anh em chiến sĩ, chỉ có chút tài sản để đóng góp cho Tổ quốc lẽ nào lại tiếc. Số tài sản đó có thể tính đếm bằng ngàn, bằng triệu nhưng đằng sau những ngàn, những triệu đó là tấm lòng yêu nước của những người chung một nòi giống Việt Nam. Tấm lòng thì không đo đếm được...”

Minh Tuấn