Tăng giá điện tác động đến khoảng 3,3 triệu hộ khách hàng mua điện trực tiếp

Chiều 4/5, Bộ Công thương ban hành Quyết định 1062/QĐ-BCT công bố biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt và các nhóm khách hàng sử dụng điện cho kinh doanh, sản xuất, công nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp, thương mại, dịch vụ ngay sau khi EVN thông báo tăng giá điện bình quân 3%.

Tăng giá điện tác động thế nào đến đời sống người dân?

Giá điện sinh hoạt cao nhất lên tới 3.015 đồng/kWh. Ảnh: TL

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, việc tăng giá điện tác động đến khoảng 3,3 triệu hộ khách hàng mua điện trực tiếp của EVN. Khách hàng công nghiệp là 1,8 triệu khách hàng, 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp.

Theo Quyết định 1062 /QĐ-BCT của Bộ Công thương, giá bán điện cho ngành sản xuất được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp - cao điểm và bình thường. Theo đó, cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giá điện dao động 999 - 2.844 đồng/kWh tuỳ khung giờ cao, bình thường và thấp điểm.

Cấp điện áp 22 kV đến dưới 110 kV, giá 1.037 - 2.959 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Cấp điện áp 6 kV - dưới 22 kV, giá bán 1.075 - 3.055 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Ở cấp điện áp dưới 6 kV, giá bán lẻ điện là 3.171 đồng, giờ bình thường là 1.738 đồng và thấp điểm 1.133 đồng/kWh.

Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là 1.690 - 1.940 đồng/kWh tuỳ khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch khá cao giữa giờ cao điểm, thấp điểm và cấp điện áp, tương ứng là 4.724 đồng và 1.402 đồng/kWh. Các giá này chưa gồm thuế GTGT.

Đáng chú ý, giá điện sinh hoạt vẫn được chia thành 6 bậc. Cụ thể, mức giá cho khách hàng sử dụng từ 0 – 50 kWh/tháng là 1.728 đồng; bậc 2, sử dụng từ 51-100 kWh/tháng sẽ chịu mức giá 1.786 đồng/kWh. Mức giá cho khách hàng thuộc khung bậc 3 sử dụng từ 101-200 kWh/tháng là 2.074 đồng/kWh; bậc 4 sử dụng điện từ 201 – 300 kWh là 2.612 đồng/kWh; bậc 5 từ 301 – 400 kWh/tháng sẽ chịu mức giá 2.919 đồng/kWh; bậc 6, sử dụng từ 401 kWh/tháng trở lên, mức giá điện bán lẻ là 3.015 đồng/kWh.

CPI bị tác động thế nào và giải pháp kiểm soát?

Việc tăng giá điện tác động đến người dân, doanh nghiệp ra sao? Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, theo tính toán của EVN, với mức tăng giá bán lẻ điện 3%, ngành điện sẽ tăng thu thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2023. Mức tăng này không tác động nhiều đến CPI và đời sống người dân do với hộ dùng điện nhiều trên 400 kWh/tháng, tiền điện tăng thêm cũng chỉ hơn 27.200 đồng/hộ.

Tăng giá điện tác động thế nào đến đời sống người dân?
Tăng giá điện tác động thế nào đến túi tiền người dân, doanh nghiệp và chỉ số lạm phát? Ảnh: TL

Cụ thể, với số khách hành công nghiệp là 1,8 triệu, tính trung bình mỗi tháng dùng thêm 141.000 đồng. Điện sản xuất có 1,822 triệu khách hàng, dùng trung bình 10,6 triệu đồng và phải trả thêm 307.000 đồng. Tăng giá điện được EVN tính toán đảm bảo không gây áp lực lớn đến khách hàng công nghiệp.

Đối với hộ gia đình, cũng theo ông Võ Quang Lâm, EVN đã tính toán tăng giá điện ở mức không ảnh hưởng nhiều đến túi tiền người dân. Với 3,33 triệu hộ khách hàng sử dụng điện ở mức 50 kWh trong năm 2022 (chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của 4,7 triệu hộ tiêu thụ từ 51 - 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ, (chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Với nhóm khách hàng sử dụng 200 kWh/tháng và là nhóm đang chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành điện hiện nay (10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), chi phí tiền điện tăng thêm là 11.100 đồng/hộ.

Với các hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng (4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), tiền điện tăng thêm là 18.700 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301 - 400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Bình luận việc tăng giá điện sẽ tác động đến chỉ số CPI thế nào, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam phân tích, mức tăng bình quân 3% tuy không lớn, nhưng vẫn ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân khi mùa nắng nóng đã tới. Hiện nay áp dụng biểu giá điện sinh hoạt thang 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn. Vì thế, giá điện tăng cao hơn cũng là một áp lực lớn cho người dân vào dịp này. “Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định qua bán lẻ điện theo hướng rút gọn nhằm giảm áp lực cho hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt…” - ông Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ.

Đối với chỉ số CPI, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, mức tăng giá điện lần này sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 1,099%, tác động lan tỏa vòng 2 là 0,18%. Nếu xem xét tác động đến giá thành sản phẩm của những ngành sử dụng nhiều điện thì ngành thép sẽ tăng 0,18%, xi măng 0,45%, dệt may 0,4%... Tuy nhiên, mức tăng thực tế có như vậy hay không, cao hay thấp hơn còn tùy thuộc vào sự chấp nhận của thị trường, của cung cầu và hiệu quả của các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

Ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”

Giá điện tăng có thể xảy ra tình trạng “té nước theo mưa” làm tăng giá hàng hóa, tăng chỉ số CPI. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đồng thời với chính sách bình ổn giá, cơ quan quản lý cần yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá thành sản xuất kinh doanh những mặt hàng nhà nước định giá để tránh việc “giá điện tăng bao nhiêu thì tăng bấy nhiêu”. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.