Nỗi lo đầu ra cho quả vải

Tại hội nghị, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, sản lượng vải thiều của toàn tỉnh năm 2023 đạt trên 180.000 tấn. Trên toàn tỉnh đã có hàng chục mã vùng trồng của doanh nghiệp nước ngoài. Vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Tăng sức cạnh tranh cho đặc sản quả vải và nhãn Việt Nam vươn xa
Tăng sức cạnh tranh cho đặc sản quả vải và nhãn Việt Nam "cất cánh" vươn xa. Ảnh: TL

Cam kết đồng hành cùng người dân tiêu thụ sản phẩm nông sản, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với nguyên tắc hỗ trợ sớm nhất có thể, đón đầu các mùa vụ, Bộ Công thương tập trung cao việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại ở trong nước cũng như nước ngoài. Đặc biệt, hiện nay là thu hoạch quả vải, nhãn đang vào vụ 2023.

Tỉnh Bắc Giang đã chủ động cùng doanh nghiệp đàm phán với khách hàng tại các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, ùn tắc nông sản đang diễn ra tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Với thị trường Hoa Kỳ, việc chiếu xạ cho sản phẩm còn nhiều khó khăn để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.

“Xuất khẩu vải thiều vẫn chủ yếu là vải tươi, vải thiều đã chế biến nhưng còn giữ nguyên hương vị chưa xuất khẩu được nhiều” - ông Trần Quang Tấn nói.

Tỉnh Bắc Giang kiến nghị Bộ Công thương, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đàm phán với các cơ quan chức năng, địa phương của các nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; hỗ trợ giúp tỉnh Bắc Giang tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng ở thị trường trong nước và quốc tế.

Nhận định thị trường Trung Quốc vẫn là chủ lực trong xuất khẩu vải thiều và nhãn, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, thời gian vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là tháng 6 - tháng 7. Lúc này việc thu hoạch vải thiều của Trung Quốc đã vào cuối vụ nên cơ hội cho hàng Việt rất cao. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho vải thiều và nhãn xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị nên ưu tiên luồng riêng cho xuất khẩu vải thiều, nhãn, vì loại quả này rất nhanh hư hỏng.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Quân - Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) cũng cho biết, lượng xe hàng nông sản Việt Nam đưa lên biên giới cao, gây áp lực cửa khẩu, gần đây xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ khi năng lực thông quan của cửa khẩu đến giới hạn. Ông Quân kiến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thường xuyên để phân luồng hợp lý, nắm bắt quy định kiểm dịch với trái cây nhập khẩu từ các thị trường, đặc biệt với vải thiều và nhãn để nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Tiết giảm chi phí để nâng sức cạnh tranh, để xuất khẩu nhiều hơn

Tăng sức cạnh tranh cho đặc sản quả vải và nhãn Việt Nam vươn xa
Toàn cảnh hội nghị bàn giải pháp xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho quả vải, nhãn đang vào vụ 2023. Ảnh: Hải Anh

Chia sẻ cơ hội để sản phẩm vải, nhãn Việt Nam có thể vươn xa, ông Đỗ Ngọc Hưng - Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) cho biết, vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang là 1 trong 7 loại hoa quả tươi được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, người tiêu dùng rất đón nhận. Nhu cầu nhập khẩu vải thiều của Hoa Kỳ cũng đang tăng. Hoa Kỳ nhập khẩu vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan.

Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường đối với nông sản thực phẩm Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng còn gặp một số trở ngại. Cụ thể: khoảng cách địa lý quá xa dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài, trong khi đó các loại trái cây dễ hỏng, hao hụt trong quá trình vận chuyển. Vận chuyển bằng hàng không thì giá cước quá cao, gấp nhiều lần giá thành sản phẩm.

Năm 2021 dù đã có đường bay thẳng tới Hoa Kỳ và bản ghi nhớ giữa tỉnh Bắc Giang và hãng hàng không về chính sách ưu đãi giá cước nhưng thực tế chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao.

Hai là chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đặt tại miền Bắc. Để xuất khẩu đi Mỹ phải vận chuyển trái cây vào TP Hồ Chí Minh chiếu xạ, làm tăng chi phí vận chuyển và hao hụt về số lượng, chất lượng của vải xuất khẩu.

Bên cạnh đó, quá trình từ thu hoạch, vận chuyển cho đến tay người tiêu dùng tại Mỹ còn dài, quá trình đóng gói, bảo quản chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn dẫn đến quả vải dễ bị hỏng, biến màu khi lên đến kệ siêu thị.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, cần thiết phải giảm chi phí vận chuyển để tăng sức cạnh tranh cho quả vải thiều Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Thanh Huy - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cũng cho rằng, vải thiều và nhãn Việt Nam có thời gian thu hoạch tương đồng với Thái Lan, nhưng bảo quản chưa tốt nên vỏ dễ thâm, chi phí vận chuyển lại cao, nhận diện thương hiệu chưa mạnh… Mức giá bán vải thiều Việt Nam tại Thái Lan là gần 10 USD/kg, phần lớn là do chi phí trung gian và vận chuyển cao nên bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, mẫu mã, cần hạ chi phí để tăng sức cạnh tranh.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây cả nước trong quý II/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Vụ vải và nhãn năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách Zero Covid, mở cửa trở lại, việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện.