Đề xuất thành lập Hội đồng điều phối vùng miền Trung

Phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng nêu rõ, tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, là địa bàn đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh. Tiểu vùng Bắc Trung Bộ có nhiều tiềm năng to lớn, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tiểu vùng Bắc Trung Bộ vẫn là tiểu vùng kém phát triển trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Đặc biệt, các hoạt động liên kết vùng vẫn chưa hiệu quả và chưa được như mong muốn.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề đang đặt ra đối với tiểu vùng Bắc Trung Bộ. Đó là, tại sao liên kết phát triển tiểu vùng và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ lại khó khăn như vậy? Đâu là nguyên nhân và rào cản? Làm thế nào để có thể thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng nói riêng và toàn vùng nói chung? Thể chế liên kết tiểu vùng, vùng cần phải như thế nào, trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam?...

Tiểu vùng Bắc Trung Bộ có nhiều tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển.
Tiểu vùng Bắc Trung Bộ có nhiều tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng miền Trung, bao gồm cả 14 tỉnh, thành phố trong vùng, xuất phát chính từ thực tiễn các hoạt động liên kết vùng, dù có nhiều nỗ lực, nhưng chưa thực sự thực chất.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định hướng trong liên kết phát triển tiểu vùng đã có, khá đa dạng. Có thể kể tới liên kết khu vực kinh tế Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình; kết nối Khu kinh tế Đông Nam (Quảng Trị) với hành lang kinh tế Đông - Tây hay liên kết trong phát triển du lịch "Con đường di sản miền Trung"…

Tuy vậy, việc liên kết vùng và kinh tế vùng Bắc Trung Bộ mới chỉ dừng lại ở nghị quyết và chủ trương, nên đi vào thực thi là tự phát, chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả. Vì thế, điều cần làm là phải tạo sự liên kết thực chất của các tỉnh trong vùng và nhà nước phải là nơi định hướng cho việc quy hoạch liên kết vùng.

Nguyên nhân của hạn chế này có cả khách quan và chủ quan, tuy nhiên chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Đó là, các địa phương trong vùng đều là địa phương nghèo, quy mô kinh tế chưa đủ lớn… Đây lại là vùng thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai, ô nhiễm môi trường, dân số đông, có nhiều huyện miền núi, huyện nghèo, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên khá tương đồng nên tạo ra cạnh tranh lớn giữa các địa phương trong thu hút nguồn lực. Các địa phương cũng chưa thực sự mong muốn được chia sẻ thông tin và phối hợp trên nhiều lĩnh vực; chưa có cơ chế phối hợp liên kết vùng hiệu quả.

Tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ vẫn là lực cản

Sâu xa hơn, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các cơ quan trung ương đôi khi chưa làm tốt nhất có thể về vai trò điều phối và khuyến khích các địa phương trong vùng phối hợp, liên kết phát triển. Công tác tham mưu của các bộ, ngành còn thiếu chủ động, chưa tập trung vào các hoạt động liên kết. Hội đồng điều phối vùng miền Trung chưa được thành lập.

Đáng nói là vẫn tồn tại tư duy “nhiệm kỳ” và “lợi ích cục bộ giữa các địa phương”. Một số chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng còn dàn trải trong phân bổ nguồn lực, phân tán nguồn vốn ngân sách để phát triển các hạ tầng mang tính liên tỉnh, liên vùng, nên đã gây lãng phí nguồn lực, không tạo ra hiệu ứng đáng kể cho sự tăng trưởng của vùng và không tạo ra nhu cầu buộc các địa phương liên kết, phối hợp với nhau.

5 mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW đặt ra 5 mục tiêu đối với phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm: (1) Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo; (2) Sớm tiến kịp các vùng khác trong nước; (3) Đầu cầu quan trọng trong giao lưu hợp tác quốc tế; (4) Hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, lũ bão, hạn hán; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường sinh thái; (5) Cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân.

Tại phiên đối thoại chính sách với sự tham gia của thường trực tỉnh ủy các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, hầu hết đại diện lãnh đạo 5 tỉnh đều thừa nhận, các hoạt động liên kết vùng vẫn chưa hiệu quả và chưa được như mong muốn. Thậm chí có những vấn đề được xem như “lực cản” và khó chạm đến. Đó là tư tưởng cục bộ địa phương, mạnh ai người nấy làm, không ai chịu liên kết với ai cũng đã được đại diện các địa phương thẳng thắn phân tích, mong muốn tìm ra hướng liên kết mới.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều thống nhất về sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của liên kết tiểu vùng, vùng; tiểu vùng Bắc Trung Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái đối với toàn vùng và cả nước.

Đồng thời các ý kiến phát biểu cũng đã đưa ra một số gợi ý nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, tiểu vùng trong thời gian tới. Đó là, tạo thống nhất cao hơn nữa trong nhận thức về sự cần thiết và tầm quan trọng của liên kết vùng, tiểu vùng; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng, tiểu vùng như kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển chuỗi đô thị ven biển; xây dựng thể chế điều phối liên kết phát triển vùng, tiểu vùng đủ mạnh, có đủ thẩm quyền và nguồn lực; xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin trong tiểu vùng và vùng…

Tiếp tục phân chia cả nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội

Tại hội nghị phản biện xã hội về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ giữ nguyên phân chia cả nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện nay, thay vì 7 vùng như đề xuất trước đó.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án phân vùng để lập quy hoạch, làm cơ sở phân vùng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia. Có nhiều phương án đưa ra, trong đó có chia lại cả nước thành 7 vùng. Tuy nhiên, sau nhiều lần thảo luận, xem xét, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục phân theo 6 vùng kinh tế - xã hội hiện hành để thực hiện Luật Quy hoạch. Đây là phương án trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Cụ thể, các vùng kinh tế - xã hội vẫn gồm: Trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, việc phân vùng như hiện nay còn có mặt chưa phù hợp, như khoảng cách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung quá dài. Để khắc phục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chia thành 2 tiểu vùng là Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, tiểu vùng Bắc Trung bộ là tiểu vùng kém phát triển. Năm 2020, GRDP/người (49 triệu đồng/người), năng suất lao động (87 triệu đồng/lao động); năm 2021 thu nhập bình quân đầu người đều thấp nhất vùng (3.218 triệu đồng/tháng/người so với 3.493 triệu đồng/người/tháng). Tỷ lệ đô thị hóa của tiểu vùng năm 2020 cũng thấp hơn trung bình vùng và thấp hơn trung bình cả nước.