Đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quy mô lớn, hiện đại

Theo Bộ GTVT, 5 năm qua, Bộ GTVT đã và đang quyết liệt triển khai đầu tư xây dựng các dự án cao tốc phía Đông, trong đó có các dự án đã hoàn thành giai đoạn vừa qua như cao tốc La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (TP. Đà Nẵng), cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT (dự án này ban đầu Bộ làm cơ quan nhà nước ký hợp đồng, sau chuyển cho UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện tiếp), các dự án cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn; dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, hoàn thành dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vv…; các dự án đường bộ cao tốc khác đang được triển khai quyết liệt để sớm hoàn thành theo kế hoạch.

Thi công cầu vượt sông dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45. Ảnh: Hoàng Long
Thi công cầu vượt sông dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45. Ảnh: Hoàng Long

Ngành GTVT cũng đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhiều dự án xây dựng đường bộ với các tiêu chuẩn về hướng tuyến, bình đồ và nhiều chỉ tiêu kỹ thuật khác theo Tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, trong đó các dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ (Cần Thơ) – Rạch Sỏi (Kiên Giang), tuyến nối Cao Lãnh (Đồng Tháp) – An Giang và nối tiếp vào dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và một số dự án khác.

Ngoài các dự án cao tốc, 5 năm qua ngành GTVT đã đầu tư xây dựng rất nhiều công trình giao thông khác có quy mô lớn, hiện đại từng bước thay đổi cải thiện tình hình giao thông, trong đó có dự án xây dựng Cầu Vàm Cống và dự án xây dựng Cầu Cao Lãnh vượt Sông Tiền và sông Hậu; các dự án cầu Hưng Hà, cầu Thái Hà vượt sông Hồng cũng đã hoàn thành. Hiện đang triển khai dự án xây dựng cầu Rạch Miễu giai đoạn 2, cầu Mỹ Thuận giai đoạn 2. Các dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng đã hoàn thành góp phần cải thiện giao thông, rút ngắn hành trình từ các tỉnh Đông Bắc Bộ đi Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và các tỉnh phía trong.

Tại các tỉnh phía Bắc, Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai xây dựng các dự án nâng cấp QL6, dự án nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với TP. Lai Châu và các dự án khác. Nhờ đó, nếu như năm 2015, tổng chiều dài quốc lộ trên cả nước đạt hơn 21.109 km. Trong đó đã bàn giao cho nhà đầu tư BOT: 1.406 km (~ 6,7%) thì đến năm 2022 tổng chiều dài quốc lộ cả nước đã tăng lên đến hơn 25.038 km. Trong đó: đã bàn giao cho nhà đầu tư BOT: 2374 km (~ 9,4%), đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng liên kết vùng, đảm bảo quốc phòng an ninh...

Sớm khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2022 - 2025

Cũng theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2022 - 2025 với tổng chiều dài khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, số hộ dân bị ảnh hưởng là 14.983 hộ, số hộ tái định cư khoảng 11.905 hộ. Đến nay, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2022 - 2025 cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ như: 12/12 tỉnh đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến và công trình; hoàn thành công tác khảo sát hiện trường địa hình, địa chất, thủy văn; công tác lập hồ sơ khảo sát vật liệu và bãi đổ thải tư vấn đang hoàn thiện, dự kiến hoàn thành 15/5/2022.

Đầu tư 146.990 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2022 - 2025 với tổng chiều dài khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công. Đến nay, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2022 - 2025 cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ.

Mặt khác, Bộ GTVT đã rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn tùy theo mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022.

Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương thực hiện các công tác liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công cuối năm 2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023. Đến nay, các Ban Quản lý dự án đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương 424,8/729km và dự kiến sẽ bàn giao toàn bộ 619km vào ngày 15/5 tới.

Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng có vai trò quan trọng và thường là nút thắt của dự án, ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, Tư vấn thiết kế phối hợp với các địa phương khu vực tuyến đi qua nghiên cứu kỹ hướng tuyến để tránh các khu dân cư đông đúc, giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng.

Ngay sau khi dự án được phê duyệt, Bộ GTVT đã chỉ đạo lập hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các địa phương để kịp thời triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chính vì vậy, khi khởi công các dự án thành phần, cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã đạt được khoảng 90% khối lượng.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tính từ thời điểm Quốc hội có chủ trương đầu tư, thời gian để Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành bàn giao hồ sơ, cắm cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương khoảng 5 tháng và thời gian chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án khoảng 10 tháng, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn tất trong thời gian khoảng 1,5 năm. Đây có thể được coi là bước đột phá về thời gian chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án.