trang 4

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí chụp ảnh lưu niệm với các thế hệ cán bộ lãnh đạo của Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

* TBTCVN: Thưa Thứ trưởng, đào tạo nguồn nhân lực tài chính đáp ứng nhu cầu thực tiễn của phát triển, hội nhập kinh tế đất nước không chỉ quan trọng và cấp thiết đối với riêng ngành Tài chính mà với cả xã hội. Xin Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành Tài chính đã được chú trọng như thế nào?

- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí: Hiện nay, Bộ Tài chính có 5 cơ sở giáo dục đại học, gồm: Học viện Tài chính, Trường Đại học Tài chính Maketing, Trường Đại học Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh và Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan. Hàng năm các cơ sở này đào tạo được 55.660 lượt người, trong đó có trên 300 nghiên cứu sinh, gần 4.000 học viên cao học, gần 40.000 sinh viên đại học, gần 12.000 sinh viên cao đẳng. Rất nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh được đào tạo từ các trường này đã được tuyển dụng, làm việc trong hệ thống các cơ quan thuộc Bộ Tài chính, các bộ, ngành khác và các doanh nghiệp... đáp ứng một nguồn nhân lực lớn có chất lượng cao cho xã hội.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức hiện có của ngành Tài chính, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu tổng hợp, cán bộ thuế, hải quan..., Bộ Tài chính có hệ thống các trường, trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ như: Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Trường Nghiệp vụ Thuế, Trường Hải quan Việt Nam, Trường Nghiệp vụ Kho bạc; Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo Chứng khoán; Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Dự trữ Nhà nước. Hệ thống các cơ sở bồi dưỡng này đã giúp Bộ Tài chính tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ mỗi năm.

Nhận thức vai trò rất quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Tài chính, các trường này được Bộ Tài chính hết sức quan tâm, từ cơ cấu tổ chức, chiến lược phát triển, nguồn lực con người đến cơ sở vật chất, tài chính cũng như các cơ chế hoạt động, để đảm bảo vừa có sự quản lý thống nhất, đúng pháp luật, vừa phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của các đơn vị trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.

thu truong chi

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí

* TBTCVN: Thưa Thứ trưởng, với đặc thù của ngành Tài chính, công tác đào tạo cán bộ phải đảm bảo những yêu cầu gì?

- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí: Cán bộ tài chính phải là người vừa có năng lực chuyên môn cao vừa là người có phẩm chất đạo đức tốt. Dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế nước ta ngày càng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh tiếp tục thực hiện các cam kết mở cửa thị trường theo quy định của WTO, các loại hình dịch vụ tài chính và thị trường tài chính ngày càng có cơ hội phát triển, tất yếu dẫn đến nhu cầu nhân lực làm việc trong các lĩnh vực thuộc ngành Tài chính như chứng khoán, bảo hiểm, đại lý thuế, kế toán - kiểm toán, đại lý hải quan, khu vực doanh nghiệp... ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Vì vậy, nguồn nhân lực ngành Tài chính luôn phải tiên phong trong việc tiếp thu kiến thức mới. Thực tế ấy đòi hỏi công tác đào tạo vừa đảm bảo tính khuôn thước, vừa luôn phải cập nhật, ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ.

Theo nhu cầu mới, dự kiến số nhân lực giai đoạn 2016 – 2020 tăng mỗi năm khoảng 2 - 3% và dần đi vào ổn định. Trong đó, chất lượng nhân lực về tài chính trong những năm tới đòi hỏi cơ cấu theo trình độ đào tạo có xu hướng tăng dần tỷ lệ đại học và sau đại học; giảm dần tỷ lệ cao đẳng, trung cấp và trình độ khác.

Một đặc thù quan trọng nữa của Ngành cần nhắc đến là môi trường làm việc của cán bộ công chức ngành Tài chính, đó là luôn tiếp xúc với môi trường có liên quan đến tiền bạc, tài sản. Nếu người cán bộ tài chính không có phẩm chất đạo đức tốt, không có bản lĩnh vững vàng, không công tâm thì dễ dẫn đến sa ngã, vi phạm pháp luật. Đây là thách thức không nhỏ đối với việc quản lý con người từ khâu đào tạo đến tuyển dụng, sử dụng, theo dõi, đánh giá cán bộ của ngành Tài chính ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào.

* TBTCVN: Trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra đối với công tác phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính là phải tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tế. Xin Thứ trưởng cho biết những phương hướng, giải pháp để đạt được mục tiêu trên?

- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí: Trong thời gian tới, ngành Tài chính có một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như sau:

Thứ nhất là nhóm giải pháp về tuyển dụng: Để đáp ứng yêu cầu về quản lý và thực hiện công vụ đối với lĩnh vực tài chính thì đội ngũ cán bộ, công chức tài chính phải ngang tầm khu vực. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng ngay từ khi tuyển dụng.

Đối với công chức tuyển dụng mới, cần tăng tỷ lệ tốt nghiệp đại học chính quy, tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế gắn với nhiệm vụ quản lý tài chính. Nâng dần điều kiện về ngoại ngữ, tin học để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn tuyển dụng cho từng đơn vị đảm bảo sự phù hợp giữa chuyên ngành tốt nghiệp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí công việc để lựa chọn ứng viên có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp đăng ký dự tuyển. Cải tiến nội dung thi tuyển, hình thức tuyển dụng, đảm bảo lựa chọn được nhân lực có kiến thức, có tư duy, kỹ năng tốt, phù hợp với lĩnh vực cần tuyển.

Thứ hai là nhóm giải pháp về sử dụng và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công chức: Với đặc thù là cơ quan hành chính nhà nước, hưởng lương theo quy định của Nhà nước nên chính sách thu hút nhân tài bằng hình thức tăng thu nhập qua lương, thưởng hoặc tuyển thẳng không qua thi, xét tuyển không thể thực hiện được như đối với khối doanh nghiệp.

Vì vậy, trong khi Nhà nước chưa có cơ chế mới về việc thu hút nhân lực, trước mắt Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện việc thu hút nhân lực bằng cách: Khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ đi học tập nâng cao trình độ (học sau đại học) trong và ngoài nước, bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông qua hỗ trợ các khoản học phí. Đồng thời đưa vào quy hoạch chức danh lãnh đạo và xem xét bổ nhiệm những cán bộ có năng lực làm việc tốt, tạo môi trường làm việc cho cán bộ an tâm công tác, phục vụ lâu dài trong ngành Tài chính.

Thứ ba là nhóm giải pháp về củng cố các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tài chính: Bộ Tài chính sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2016 - 2020 để cụ thể hóa và thực hiện mục tiêu phát triển nhân lực từng giai đoạn và hàng năm. Chú trọng đào tạo cả diện rộng và đào tạo chuyên môn sâu một cách có hệ thống. Làm cho công chức, viên chức của ngành Tài chính coi việc học tập, bồi dưỡng vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc hàng năm để phục vụ hoạt động công vụ vừa là quyền lợi của cá nhân trong việc trau dồi, bổ sung tri thức của bản thân.

Quan tâm tới việc sắp xếp lại, củng cố và phát triển các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành thông qua việc: Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khuyến khích và thúc đẩy các cơ sở đào tạo bồi dưỡng tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo chuyên sâu với các nước tiên tiến, mời chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam tổ chức các khoá bồi dưỡng chuyên sâu về các nội dung quản lý tài chính cho các chuyên gia, giảng viên kiêm chức và cán bộ trẻ có năng lực.

* TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Sâm (thực hiện)