Chắt chiu trong hoàn cảnh khó khăn

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp bàn với các địa phương mới đây đã biểu dương các địa phương đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, cùng cả nước xây nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí “thắt lưng buộc bụng”, rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, có tính lan tỏa cao.

Trong điều hành ngân sách, nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực. Hàng năm, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương; cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Năm 2020, các địa phương cuối năm cũng báo cáo về tình hình tiết kiệm của địa phương mình, nơi ít thì đôi ba trăm tỷ đồng, nơi nhiều thì lên tới con số nghìn tỷ đồng. Từ nguồn tiết kiệm này, ngân sách nhà nước đã chi thêm cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; dùng để tạo nguồn cải cách tiền lương, chi cho con người và an sinh xã hội.

Năm 2021, tổng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương là 14,62 nghìn tỷ đồng đã được quyết định dùng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những đồng tiết kiệm, chắt chiu được trong hoàn cảnh còn khó khăn, lại càng có ý nghĩa hơn, nhất là vào thời điểm mấy năm nay, khi nguồn thu bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch.

Còn nhớ, trên diễn đàn Quốc hội Khóa XIV, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, nay là Thủ tướng Chính phủ, đã nhấn mạnh đến việc phải tiết kiệm. Ông cho rằng, chúng ta chi thường xuyên tới 65% tổng chi ngân sách nhà nước. Việc tăng chi chủ yếu vào chi lương và phụ cấp (chiếm tới hơn 58%), còn lại là chi hành chính. Nếu tiết kiệm được 1%, chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng, do đó, phải có chính sách tiết kiệm, phải “thắt lưng buộc bụng”, mà dư địa tiết kiệm nằm ở chi thường xuyên.

Tiết kiệm chi triệt để, thường xuyên và không ngoại lệ

Siết giảm chi tiêu công, đặc biệt là chi thường xuyên luôn nhận được sự đồng tình của các vị đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế. Nhiều đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn TBTCVN đều cho rằng, khi các nguồn thu sụt giảm, thì không thể giữ nguyên các nhiệm vụ chi theo dự toán.

Cắt chi thường xuyên cần song hành cùng tinh giản biên chế

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Chính phủ đã rất nỗ lực chỉ đạo cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên không cần thiết, cùng với tinh giản biên chế. Tuy nhiên, để việc cắt giảm chi thường xuyên đi vào thực chất, hiệu quả, rất cần sự vào cuộc thật sự của các cấp, các ngành và địa phương. Các đơn vị cần đẩy mạnh sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới và thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập, để giảm chi thường xuyên.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, thu và chi tương tự như hai mặt của đồng xu. Nếu chi ngân sách nhà nước (NSNN) lãng phí, hiệu quả thấp thì không chỉ làm mất ý nghĩa của những nỗ lực thu ngân sách mà còn tác động tới động lực thu và cơ sở tăng thu NSNN một cách bền vững và hợp lý. Vì vậy, cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới mục tiêu cân đối NSNN cần được thực hiện đồng bộ với cơ cấu lại thu NSNN; cũng như cơ cấu lại nợ công trong mối quan hệ biện chứng với cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Về cơ cấu lại chi tiêu công nói chung, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, chi NSNN có rất nhiều nội dung, trong đó nên tập trung giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN gắn với cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách định mức chi thường xuyên. Đồng thời, phải thực hành tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để, phổ biến và không có ngoại lệ. Từ đó, tăng dần tỷ lệ chi đầu tư phát triển từ NSNN; kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí thông qua tăng cường công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn quyền với trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu trong các quyết định liên quan đến đầu tư công.

Việc quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đặc biệt là triệt để tiết kiệm chi thường xuyên đã được Bộ Tài chính duy trì thực hiện trong nhiều năm qua. Nguồn tiết kiệm trong chi thường xuyên dành chi tăng lương, cho an sinh xã hội và nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.

Trên thực tế, trong điều hành chúng ta đã đạt được thành công khi tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần (đã giảm từ mức 64,4% năm 2017 xuống còn 60,5% vào năm 2020), nhưng vẫn bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7%/năm theo nghị quyết của Quốc hội và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác.

Lấy lại đà tăng trưởng

Dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, đồng thời vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Từ quý IV/2021, nhờ vừa phòng chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế, nước ta đã đạt được thành công về kinh tế - xã hội.

Quý I/2022, GDP tăng 5,03%, thu ngân sách đạt 472 nghìn tỷ đồng, đạt 33,5% dự toán; xuất siêu gần 1 tỷ USD. Kết quả thu ngân sách đạt khá phản ánh sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và việc triển khai nhanh chóng, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,03%, sản xuất công nghiệp tăng 7,07%, một số ngành có đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng trưởng khá (như: sản xuất thiết bị điện; sản xuất trang phục, da; sản phẩm điện tử, máy tính...).

Chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng đang được ngành Tài chính kiên trì theo đuổi. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, ngành Tài chính đã lắng nghe tiếp thu ý kiến để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có chính sách sát thực, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) phát triển. Bộ Tài chính ngoài tham mưu và điều hành chính sách tài khóa, còn thực hiện phối hợp điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Bộ Tài chính là bộ tham mưu, ban hành chính sách, luôn suy nghĩ ban hành các chính sách phải sát thực tiễn, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN, đảm bảo mục tiêu tài chính nhà nước, tài chính DN, tài chính dân cư cùng phát triển toàn diện, hài hòa và mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn vào những con số tiết kiệm qua các năm cho chúng ta thêm động lực: Thực hiện chủ trương tiết kiệm chi, riêng năm 2019, đã cắt giảm khoảng 10.000 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên so với dự toán năm 2018; trong 5 năm 2016 - 2020, giảm chi khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng.

Sẻ chia và hành động, cùng với việc thực hiện tiết kiệm triệt để chi ngân sách ngay từ khâu dự toán, các địa phương đã “hứa” với Chính phủ đẩy mạnh giải ngân, chi tiêu tiết kiệm, sử dụng hiệu quả từng đồng vốn. Từ đó, có thêm các dự án mang tính chất lan tỏa, liên vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ Tài chính cũng đang nỗ lực tận dụng dư địa, tăng hiệu quả quản lý thu, khai thác nguồn thu tại địa bàn có điều kiện; tăng cường hiệu quả khai thác quản lý thu, tận dụng dư địa tăng thu NSNN, nhất là dư địa thu đối với các giao dịch số xuyên biên giới và các dịch vụ nền tảng số… Ở chiều ngược lại, Bộ Tài chính cũng triển khai nhiệm vụ về tiết kiệm chi, quản lý chi tiêu thường xuyên; cắt giảm khoản chi không thật sự cần thiết, dành thêm các nguồn lực cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.