Thị trường chững lại vì cầu đầu tư và cầu phát hành đều giảm

Số liệu thống kê cho thấy, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ có xu hướng giảm. Tính đến giữa tháng 11/2022, tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 329.296 tỷ đồng, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại thời điểm 30/9/2022, tổng dư nợ TPDN riêng lẻ đang lưu ký là 1.260,1 nghìn tỷ đồng. Về cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ, các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 69,6% tổng giá trị trái phiếu đang lưu ký; nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng gần 30,4%. Về kế hoạch đáo hạn, giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn năm 2023 là 282,16 nghìn tỷ đồng và năm 2024 là 362,9 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, HNX
Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, HNX

Một điểm nhấn trên thị trường TPDN riêng lẻ là hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tăng mạnh. Theo đó, tổng khối lượng mua lại trước hạn 9 tháng năm 2022 là 132,3 nghìn tỷ đồng, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến ngày giữa tháng 11/2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 156.320 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, thị trường TPDN riêng lẻ, khối lượng phát hành có xu hướng giảm là do cầu đầu tư TPDN sụt giảm vì quy định pháp lý chặt chẽ hơn. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã sàng lọc nhà đầu tư chuyên nghiệp thực chất hơn, giảm số lượng nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp - đây là việc cần thiết phải làm để giảm thiểu rủi ro và chính là bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đồng thời, nhu cầu phát hành của doanh nghiệp cũng giảm, các doanh nghiệp thận trọng khi phát hành trái phiếu mới, sợ sai qua các vụ việc phát hiện sai phạm thời gian vừa qua.

Áp lực đáo hạn vẫn lớn, nhưng thị trường sẽ an toàn, minh bạch hơn

Với sự bùng nổ phát hành trái phiếu trong giai đoạn 2019 – 2021, tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn năm 2023 vào khoảng hơn 280 nghìn tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ, trong đó, bất động sản và tài chính - ngân hàng lần lượt chiếm 30% và 40%.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản. Mặt khác, vì niềm tin suy giảm, việc nhà đầu tư cá nhân (chiếm tới 1/3 lượng TPDN lưu hành) bán mạnh trước hạn để thu tiền về cũng sẽ còn tạo áp lực cho các nhà phát hành và thị trường nói chung.

Nguồn: ADB Bond, VNDIRECT RESEARCH. (Dữ liệu vào cuối quý III/2022)
Nguồn: ADB Bond, VNDIRECT RESEARCH. (Dữ liệu vào cuối quý III/2022)

Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phân Phân tích vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho biết, theo nghiên cứu thị trường, hiện một số TPDN riêng lẻ được giao dịch với mức 4% - 5%, thấp hơn mệnh giá, với mức lợi suất khoảng 10% - 12%/năm, có nghĩa là người bán sẵn sàng chấp nhận với mức chiết khấu 14% - 17%.

“Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều thông điệp nhằm xoa dịu tâm lý hoang mang của thị trường, nhưng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể vẫn cần thêm thời gian. Tuy nhiên, thông tin lạc quan là, theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu trước hạn, phần nào giảm bớt áp lực đáo hạn và tâm lý tiêu cực của thị trường” – ông Hinh cho hay.

Theo khẳng định của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, thị trường TPDN của Việt Nam vẫn đang trong xu hướng phát triển và cần phát huy vai trò tích cực của kênh dẫn vốn quan trọng này cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng và nhịp lùi trong thời gian qua là cần thiết để các bên tham gia nhìn lại, đánh giá, thay đổi và hoàn thiện để phát triển an toàn, bền vững hơn.

Quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực

Hiện quy mô trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trên GDP của Việt Nam là 15% và 13% đối với TPDN phát hành riêng lẻ, tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Chính phủ đang đặt mục tiêu quy mô thị trường TPDN đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Vì vậy, thị trường TPDN đang trên đường tiến tới mục tiêu định hướng và vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Đinh Quang Hinh chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng cần thêm thời gian để các thành viên tham gia thị trường (nhà phát hành, tổ chức bảo lãnh, tư vấn và nhà đầu tư) thích ứng với các quy định mới. Trong bối cảnh chi phí tài chính gia tăng, lực cầu nội địa yếu đi, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp đang có xu hướng hoãn, hoặc hủy kế hoạch mở rộng kinh doanh, dẫn đến giảm nhu cầu vốn”.

Vì vậy, “chúng tôi cho rằng, thị trường TPDN sẽ tương đối im lìm trong nửa đầu năm 2023. Khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn” – ông Đinh Quang Hinh cho biết.

“Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra một số biện pháp để tháo gỡ thế khó của TPDN, bao gồm: Đề xuất đẩy nhanh quy trình pháp lý để doanh nghiệp có quyền sử dụng đất, đề xuất Ngân hàng Nhà nước giảm chi phí đi vay cho các công ty và tham gia tái cơ cấu các nghĩa vụ trả nợ, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, đảm bảo các tổ chức phát hành cung cấp thông tin chính xác và đảm bảo thanh toán trái phiếu đúng hạn để củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Đây là các tín hiệu tốt mà thị trường đang chờ đợi và kỳ vọng mang lại hiệu quả tích cực” – Chuyên gia của VNDIRECT cho hay.