Dự toán chi thường xuyên năm 2023 phải đảm bảo chi cho con người Xây dựng kế hoạch dự toán NSNN năm 2023: Lường trước những khó khăn, thách thức để ứng phó kịp thời Dự toán thu ngân sách năm 2023 là phù hợp, thực tế Thận trọng, đúng năng lực nền kinh tế

Chiều 5/11, sau khi kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có có báo cáo, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Xử lý nghiêm sai phạm để bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp làm ăn chân chính

Thủ tướng cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh - tế xã hội 10 tháng năm 2022 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Do đó, thời gian tới, Thủ tướng khẳng định chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Đồng thời, “không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực; làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế; mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững” - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 cần chắc chắn, khả thi

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 5/11

Báo cáo về cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ, Thủ tướng cho biết thời gian qua Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và nhiều dự án thua lỗ kéo dài. Trong đó, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, chuyển giao bắt buộc. Đã có phương án xử lý đối với 5/12 dự án và đang rất tích cực xây dựng phương án khả thi, hiệu quả nhất xử lý đối với 7/12 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác.

Bên cạnh đó, đã xử lý xong, đưa vào hoạt động các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1 (mỗi dự án này có tổng mức đầu tư trên dưới 2 tỷ USD). “Chính phủ sẽ quyết tâm xử lý hiệu quả vấn đề này” - Thủ tướng khẳng định.

Đối với các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro. Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém.

Trong đó có Nghị quyết số 86/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả; Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để sàng lọc, bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành; Chỉ thị số 13/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan. Cụ thể như Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán năm 2019; Nghị định số 156/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP… Đối với trái phiếu doanh nghiệp, yêu cầu quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình phát hành, sử dụng vốn và hướng dẫn cụ thể, công khai, minh bạch để nhà đầu tư nhận thức rõ rủi ro và có quyết định lựa chọn đầu tư phù hợp.

Về tình hình xây dựng, thực hiện dự toán thu NSNN năm 2022 và năm 2023, Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội nêu rõ, khi xây dựng dự toán NSNN năm 2022 vào quý III/2021, bối cảnh rất khó khăn do đại dịch Covid-19, tăng trưởng âm, ảnh hưởng lớn đến thu NSNN. Vì vậy, việc xây dựng dự toán chi, thu NSNN năm 2022 ở mức thận trọng, chắc chắn là phù hợp để tránh bội chi lớn, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, nhờ chúng ta chuyển đổi nhanh, kịp thời sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ; từ Quý IV/2021 đến nay kinh tế phục hồi, tăng trưởng trở lại đã tạo cơ sở tăng thu NSNN. Mặt khác, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã chỉ đạo quyết liệt tăng cường quản lý thu, chống thất thu cùng với giá dầu thô, thu tiền sử dụng đất tăng khá, dẫn đến thu NSNN 10 tháng đã vượt 3,7% dự toán cả năm 2022.

Năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp; vì vậy Thủ tướng cho rằng việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi để bảo đảm kiểm soát bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ trong ngưỡng an toàn.

Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 cần chắc chắn, khả thi
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước và các đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn

Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch

Đối với lĩnh vực giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thực hiện. Ước giải ngân kế hoạch vốn NSNN từ đầu năm đến 31/10/2022 đạt 297,8/580 nghìn tỷ đồng, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2021 (55,8%) nhưng cao hơn về giá trị tuyệt đối là 40,4 nghìn tỷ đồng. Triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt một số kết quả bước đầu, nhất là các chính sách giãn thuế, tiền thuê đất, miễn thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ tiền thuê nhà.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra tình hình giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các chương trình này chưa đạt yêu cầu. Số vốn kế hoạch của năm 2022 còn lại phải giải ngân là khá lớn, khoảng 282 nghìn tỷ đồng. Vẫn còn 8,3% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa phân bổ; việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% còn rất chậm, gặp nhiều khó khăn. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa hoàn thành ở một số địa phương.

“Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém đã chỉ ra và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; thực hiện các cơ chế đặc thù; kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương; rà soát, điều chuyển vốn; không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch” - Thủ tướng báo cáo cho biết.

Theo báo cáo của Thủ tướng, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã giãn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất 104,3 nghìn tỷ đồng, miễn thuế, phí, lệ phí 43,3 nghìn tỷ đồng, đạt 67,6% kế hoạch; cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 57% kế hoạch; hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5,3 triệu lượt người lao động với số tiền hỗ trợ là 3.780 tỷ đồng/quy định tối đa là 6.600 tỷ đồng; đã giải ngân được 20% số vốn thuộc chương trình.