Phân cấp mạnh việc quản lý tài sản công

Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, Bộ thực hiện rà soát các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp tục siết chặt công tác quản lý, sử dụng tài sản công
Tiếp tục siết chặt công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh minh họa.

Do đó, ngoài việc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức đánh giá việc thực hiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, cũng như đóng góp ý kiến đối với các dự thảo để giải quyết các vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý tài sản công. Phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng (diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô chuyên dùng, máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý). Phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập sở hữu toàn dân về tài sản và phân cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; phân cấp mạnh cho địa phương, cơ sở gắn với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thực hiện.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính cũng đề nghị tạm thời chưa thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia theo đúng Chỉ thị số 32/CT- TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ (trừ thuốc; sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng, chống dịch Covid-19). Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát danh mục mua sắm tập trung thuộc thẩm quyền ban hành của mình để ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm căn cứ pháp lý theo quy định của Luật Đấu thầu, các nghị định của Chính phủ, tránh việc ban hành danh mục mua sắm tập trung nhưng không thực hiện làm ảnh hưởng đến tới việc trang bị tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và vi phạm quy định về mua sắm tài sản công… Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý các đơn vị mua sắm tập trung thực hiện nghiêm việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ và giá mua tối ưu.

Năm 2022, Bộ Tài chính sẽ đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công sau khi được nâng cấp vào vận hành. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm quy định về cập nhật, chỉnh lý thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để phục vụ xây dựng Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, Báo cáo tài chính nhà nước hàng năm theo đúng nội dung và thời hạn theo quy định của pháp luật; từng bước sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để thay thế thông tin dạng giấy.

Tránh tình trạng thông đồng, dìm giá trong đấu giá, đầu thầu tài sản công

Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị (lưu ý rà soát các trường hợp năm 2020 phải điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện).

Đồng thời, tổ chức quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch. Thực hiện nghiêm túc việc đăng tải thông tin đấu thầu, đấu giá, niêm yết giá khi thực hiện mua sắm, thuê tài sản, sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, bán, chuyển nhượng tài sản công, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng… theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án được giao xử lý tài sản công chấp hành nghiêm quy định về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản, đặc biệt là giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá để khắc phục tình trạng thông đồng, dìm giá và các hành vi vi phạm khác trong đấu giá tài sản. Thực hiện thu, nộp tiền bán, chuyển nhượng, thanh lý, cho thuê tài sản đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý chú trọng thực hiện nghiêm quy định về lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; xác định giá trị tài sản để đưa vào liên doanh, liên kết; xác định giá cho thuê tài sản công. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc xác định giá trị tài sản, vốn góp của đối tác tham gia liên doanh, liên kết, tránh tình trạng “thổi giá” làm ảnh hưởng tới quyền lợi của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và người sử dụng dịch vụ có được từ hoạt động liên doanh, liên kết; thực hiện nghiêm quy định về lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết, quy định về tổ chức đấu giá khi cho thuê tài sản công, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.

Đối với việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị để bố trí sử dụng, xử lý tài sản dôi dư theo đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật; đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án xử lý đối với nhà, đất phải sắp xếp lại của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Tổ chức thực hiện xử lý theo đúng phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật, trong đó lưu ý một số nội dung: Xử lý dứt diểm trình trạng sử dụng chưa đúng quy định (cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích…); thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công, quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thẩm định giá và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công khi xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, xác giá bán khi thực hiện phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất…

Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Từ đó, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.