Ngân sách đã chi hơn 128 nghìn tỷ đồng chống dịch

Phát biểu tại đàn “Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, công tác chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã được điều hành chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, đồng thời cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống cho người dân.

Để đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc-xin phòng Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi (thông qua cắt giảm chi thường xuyên) và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 với số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng để tập trung chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19; cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022. Đồng thời, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ Vắc-xin để huy động thêm nguồn kinh phí cho nhiệm vụ này.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính từ khi có dịch Covid-19 đến hết quý I/2022, NSNN đã chi khoảng 128,5 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trong đó ngân sách trung ương đã chi khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng và các địa phương đã chi khoảng 97 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, đã kịp thời xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp khoảng 222,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Ngoài ra, trong bối cảnh hoạt động đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc đẩy mạnh giải ngân nguồn lực đầu tư công sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Bộ Tài chính đã đảm bảo đủ nguồn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công. Cùng với việc đẩy nhanh giải ngân vốn, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành công điện gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSNN năm 2021.

Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi (nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư), chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; trong đó sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương theo đúng quy định của Luật NSNN và các quy định pháp luật liên quan, bố trí cho đầu tư các công trình, dự án của địa phương phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Càng khó khăn càng phải tiết kiệm

Năm 2022 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, sẽ có tác động lớn tới sự phục hồi và phát triển kinh tế của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy tăng thu ngân sách, ngành Tài chính cũng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chi tiêu hiệu quả, triệt để tiết kiệm các khoản chi NSNN.

Để cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đẩy mạnh theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế đối với khu vực sự nghiệp công. Đồng thời, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của NSNN ngay từ khâu giao dự toán để tập trung cho đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN.

Trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị suy giảm (vừa chịu sức ép từ suy giảm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa giảm thu do thực hiện các giải pháp hỗ trợ), trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi NSNN cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... đã tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN.

Trong chỉ đạo điều hành, Bộ Tài chính đề nghị các cấp ngân sách phải chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; cắt giảm các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đối với địa phương, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, ngoài ra nếu giảm thu thì phải giảm chi tương ứng.

Để cơ cấu lại chi NSNN, Bộ Tài chính đẩy mạnh theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế đối với khu vực sự nghiệp công. Đồng thời, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của NSNN ngay từ khâu giao dự toán để tập trung cho đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN.

Những giải pháp cơ cấu lại chi NSNN nhận được sự đồng tình lớn từ phía dư luận. Trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính trong cơ cấu lại NSNN, đặc biệt là việc tiết kiệm các khoản chi ngân sách. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị các cấp sử dụng ngân sách cần thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, tiết kiệm hơn nữa trong chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển. Khi thực hiện dự toán, giảm thu thì phải giảm chi tương ứng, chỉ tăng chi cho an sinh xã hội, chi phòng chống dịch Covid-19, thiên tai bão lũ.

Không để “vung tay quá trán”

Đối với ngành Tài chính, cân đối thu-chi NSNN là nhiệm vụ quan trọng. Có thu mới có nguồn để chi, nhưng nếu chi “vung tay quá trán”, những nỗ lực thu ngân sách lại “đổ sông đổ bể”. Điều hành sao cho khéo trong bối cảnh “bình thường cũ” đã khó, thì trong lúc này lại càng khó trăm bề.

Với những khoản chi đã có trong dự toán, chi cho quốc phòng an ninh, chi cho bộ máy, cho con người, chi an sinh xã hội là những khoản chi “không thể đừng”, trong khi bộ máy đang dần siết giảm thì bài toán “giải nhanh” trước mắt chính là tiết kiệm khi chi tiêu, có thêm nguồn để dành cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Cơ cấu lại NSNN là việc làm thường xuyên, liên tục đối với ngành Tài chính, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng chưa từng có trong lịch sử, thì rất cần sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các cấp sử dụng ngân sách đẩy nhanh quá trình này, đảm bảo thu đúng thu đủ về ngân sách, từ đó có nguồn cho các nhiệm vụ chi cần thiết, cấp bách.

Trong hội nghị tổng kết năm 2021 của ngành Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo, các cấp, các ngành, địa phương phải thực hiện triệt tiết kiệm chi tiêu, chi NSNN năm 2022 phải chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Thủ tướng chỉ rõ ngành Tài chính phải điều hành giảm chi đối với những khoản chi không thực sự cần thiết, đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Sỹ Cường, chính sách tài khóa cho trung hạn cần tiếp tục duy trì sự thận trọng hơn và theo nguyên tắc “lường thu mà chi”, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành NSNN ở tất cả các cấp.

Tại nghị trường Quốc hội, vấn đề chi tiêu công cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Các đại biểu cho rằng, cần “phải siết chặt kỷ luật ngân sách, tránh lãng phí đầu tư công, cân đối thu chi, giảm chi thường xuyên, tăng vốn đầu tư phát triển”.