Tại công văn của Bộ Tài chính gửi 6 địa phương cho biết, ngày 28/11/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 12439/BTC-ĐT gửi các địa phương về kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo Công văn số 963/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 12441/BTC-ĐT ngày 28/11/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra.

Tổ công tác số 6 kiểm tra, đôn đốc 6 địa phương giải ngân vốn đầu tư công
Tổ công tác số 6 kiểm tra, đôn đốc 6 địa phương giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa: H.T

Theo báo cáo của các địa phương và báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của 6 địa phương trên khi được kiểm tra hồi tháng 10/2022 là 35%, tháng 11/2022 tăng lên 43% (trong đó vốn ngân sách địa phương là 53,4%, vốn ngân sách trung ương là 43,1%), ước giải ngân 13 tháng (đến ngày 31/1/2023) của 2 nguồn vốn này chủ yếu từ 95% đến 100%.

Đối với vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, do được trung ương giao vào tháng 5/2022, nên tỷ lệ giải ngân tháng 10 là 1,2%, tháng 11 cũng tăng lên 10,7% kế hoạch (nguồn vốn này được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31/12/2023 theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội).

Như vậy, sau khi có công văn kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ Tài chính gửi các địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, tỉnh Lai Châu là địa phương có chuyển biến cao nhất số giải ngân tăng 13,1% (tháng 10 là 40,1%, tháng 11 tăng lên 53,9%); tỉnh Bình Dương chuyển biến thấp nhất trong 6 tỉnh, số giải ngân tăng 5,1%.

Tuy nhiên, các địa phương này vẫn là các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022 thuộc nhóm thấp hơn bình quân chung cả nước là 58,48%.

Sau khi có công văn kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ Tài chính, công tác giải ngân vốn đầu tư công tại 6 địa phương đã có chuyển biến tích cực.

Theo Bộ Tài chính, kiểm tra chi tiết trên báo cáo giải ngân vốn ngân sách trung ương cho thấy, cả 6 địa phương đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp (dưới mức bình quân chung các địa phương là 40%). Cụ thể: tỉnh Hà Giang có 20 dự án, tỉnh Cao Bằng 6 dự án, tỉnh Bắc Kạn 6 dự án, tỉnh Lai Châu 4 dự án, Điện Biên 9 dự án, tỉnh Bình Dương 1 dự án. Nguyên nhân chậm giải ngân các địa phương báo cáo không mới, đều là các nội dung đã được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định, thời hạn thực hiện thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 qua Kho bạc Nhà nước chỉ còn 1 tháng với số vốn chưa giải ngân của 6 địa phương còn rất lớn. Không tính vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, thì số vốn chưa giải ngân còn khoảng 11.986,502 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương 5.843.035 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương 6.143,467 tỷ đồng.

Tại công văn gửi 6 địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các cấp chính quyền địa phương phải coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo đó, tập trung chỉ đạo tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; quyết liệt triển khai theo chức năng, nhiệm vụ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị, đến hết ngày 31/1/2023, dự án không giải ngân được hết vốn kế hoạch năm 2022 đã giao, không thuộc diện được phép kéo dài theo quy định thực hiện hủy dự toán, hoàn trả ngân sách trung ương./.