Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh 10 tháng năm 2021, tổng thu vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố tính từ đầu năm đến ngày 20/10 đạt 2,73 tỷ USD. Trong đó, cấp mới có 469 dự án, với vốn đăng ký đạt 415,9 triệu USD, giảm 39,6% về số giấy phép và giảm 6,8% về vốn (so với cùng kỳ năm trước).

Huy động ngân sách từ các nhà đầu tư nước ngoài của TP. Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm đạt hơn 45,6 nghìn tỷ đồng. Ảnh Đỗ Doãn
Huy động ngân sách từ các nhà đầu tư nước ngoài của TP. Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm đạt hơn 45,6 nghìn tỷ đồng. Ảnh Đỗ Doãn

Vốn đăng ký tập trung tại một số ngành như kinh doanh bất động sản có 17 dự án, với vốn đầu tư 214,1 triệu USD (chiếm 51,5% tổng vốn cấp mới); thương mại với 189 dự án, vốn đăng ký là 65 triệu USD (chiếm 15,6%); vận tải kho bãi với 20 dự án, vốn đăng ký đạt 55,1 triệu USD.

Một số quốc gia đầu tư vốn có tỷ trọng cao đáng chú ý gồm: Singapore 75 dự án, vốn 217,3 triệu USD (chiếm 52,2%); Hà Lan 15 dự án, vốn đăng ký 87,3 triệu USD (chiếm 21%) và Nhật Bản 39 dự án, vốn đăng ký 40,4 triệu USD (chiếm 9,7%).

Trong khi đó, nhóm điều chỉnh vốn đầu tư có 137 lượt dự án, với số vốn tăng thêm 867,3 triệu USD, giảm 27,5% về số giấy phép nhưng vốn đăng ký tăng 2,2 lần. Trong đó, vốn tăng từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 47,4%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghiệp chiếm 23,8% và thương mại chiếm 15,6%.

Hai quốc gia có vốn tăng chiếm tỷ trọng cao nhất là Nhật Bản (chiếm 32,3%) và Singapore (chiếm 28,8%). Còn nhóm góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài có 1.820 trường hợp với tổng vốn đạt 1,45 tỷ USD, giảm 44,2%.

Ở chiều ngược lại, TP. Hồ Chí Minh có 106 dự án chấm dứt hoặc tạm ngưng hoạt động, giá trị vốn đầu tư đạt khoảng 128,8 triệu USD, kéo số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn giảm còn 10.327 dự án, với vốn đăng ký 48,97 tỷ USD./.