Trung quoc hung hang

Trung Quốc ngày càng thể hiện những hành động hung hăng trên biển và bộc lộ mưu đồ khống chế và kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Thực tế diễn ra thế nào và những cảnh báo được nêu ra sao?

Thông tin về hoạt động cải tạo các bãi đá tại khu vực quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm của Việt Nam hồi năm 1988 được các cơ quan chuyên trách của Philippines tiết lộ và rồi các báo đăng tải lại. Gần đây chính báo chí Trung Quốc cũng công khai những hoạt động cải tạo và xây dựng như thế tại khu vực Trường Sa.

Tờ “Tin tức Thanh Hoa” của Trung Quốc số ngày 6 tháng 9 nói rằng, từ đầu năm đến nay Trung Quốc đưa 3 tàu đổ bộ xe tăng loại 5.000 tấn đến Gạc Ma và Tư Nghĩa để tham gia đắp đất, phong nền xây dựng đảo nhân tạo theo phương án thiết kế của Viện Quy hoạch Công trình Hải quân Trung Quốc.

Sáu bãi đá nằm trong diện được cải tạo phong nền xây dựng đảo gồm Gạc Ma, Gaven, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Su Bi và Châu Viên. Trước đó, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” cũng đăng ảnh cho thấy hoạt động xây dựng tại Gạc Ma đang được gấp rút thực hiện.

Cũng theo tờ “Thời báo Hoàn cầu”, khi Trung Quốc xây xong đường băng 2km trên đảo Gạc Ma, cả miền Nam Việt Nam sẽ nằm trong vùng tấn công của máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Theo tờ báo này thì Gạc Ma cách TP. Hồ Chí Minh 830 km, cách Manila 890 km, cách eo biển Malacca khoảng 1.500km. Như thế với đường băng 2km trên Gạc Ma, các loại máy bay Su-30, J-10, J-11 của Trung Quốc có khả năng tác chiến đến tận Malacca.

Thông tấn xã Đài Loan trích dẫn nhận định của cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Lâm Trung Bân rằng 6 bãi đá ở Trường Sa đang được Trung Quốc đảo hóa nằm trong chiến lược muốn hóa “tốt thành xe”, với âm mưu tăng cường đáng kể khả năng khống chế và kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Ông Lâm Trung Bân cho rằng, việc đảo hóa 6 bãi đá vừa nêu ở Trường Sa giúp Trung Quốc tạo nên được gần “10 điểm cao chiến lược” ở Biển Đông.

Theo tờ “Want China Times” của Đài Loan sau khi Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng đảo Gạc Ma ở Trường Sa và thành phố Tam Sa trên đảo Vĩnh Hưng mà Việt Nam gọi là Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, thì Bắc Kinh có thể lắp đặt hệ thống radar tầm xa và các thiết bị giám sát trên không và trên biển.

Như thế các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đến tận Singapore sẽ nằm trong tầm kiểm soát của radar Trung Quốc. Tàu bè qua eo biển Malacca cũng sẽ bị radar Trung Quốc theo dõi.

Một chuyên gia theo dõi tình hình Biển Đông cho rằng việc Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trên các bãi cạn thuộc Quần đảo Trường Sa là “cực kỳ nguy hiểm” đối với Việt Nam. Trước đó, phóng viên BBC News đã chứng kiến tận mắt Trung Quốc đang đổ hàng triệu tấn đá và cát để biến một số bãi đá họ chiếm giữ ở Quần đảo Trường Sa thành đảo nổi và xây đường băng đủ dài cho máy bay chiến đấu.

Trong một diễn biến có liên quan, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời gọi các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu thăm dò và khai thác các lô dầu khí ở ngoài khơi, bao gồm cả Biển Đông và biển Hoa Đông.

Website của Tập đoàn này cho biết, lần mời thầu năm nay liên quan đến 33 lô, trên một diện tích rộng hơn 126,000 km2. Trong số này, có 25 lô ở Biển Đông và 4 lô tại biển Hoa Đông, phần còn lại nằm ở Hoàng Hải./.

Theo RFA, BBC, RFI