Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ được sửa đổi trong năm 2022 Cần giải quyết dứt điểm vướng mắc trong cơ chế tự chủ bệnh viện

Sáng 5/1, tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp bất thường thứ 2, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày trước Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ngân sách Nhà nước đảm bảo khi cơ sở khám, chữa bệnh thu không đủ chi

Theo báo cáo, dự thảo Luật có 9 nhóm điểm mới liên quan đến người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định về hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thiết bị y tế; về huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp và các quy trình, thủ tục được quy định theo hướng cải cách thủ tục hành chính.

Nguyễn

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Về cơ chế tự chủ bệnh viện, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét tính khả thi của cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cần quy định việc tự chủ nhưng đồng thời bảo đảm chất lượng trong dịch vụ y tế.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khoản 1 Điều 108 của dự thảo Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước để thực hiện chức năng nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khi thực hiện tự chủ. Bên cạnh đó, điểm a khoản 3 Điều 110 về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã quy định việc định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, do vậy cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước quy định như dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Dự thảo Luật cũng quy định ngân sách nhà nước đảm bảo khi cơ sở thu không đủ chi để bảo đảm các điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại khoản 2 Điều 107. Để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ, dự thảo Luật quy định bắt buộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm định kỳ đánh giá chất lượng và cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra trên cơ sở kết quả đánh giá của cơ sở tại khoản 7 Điều 60.

Đưa ra hai phương án về định giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, có ý kiến đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, như yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo…, quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân; đề nghị bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật Giá.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như thể hiện tại Điều 110 và quy định lộ trình trước ngày 1/1/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại khoản 8 Điều 120 của dự thảo Luật. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Trước 1/1/2025 phải tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh
Các đại biểu tham dự phiên họp Quốc hội sáng 5/1.

Về thẩm quyền của Nhà nước (Bộ Y tế) trong định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hiện có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (bao gồm giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện bởi cơ sở thực hiện theo phương thức hợp tác đối tác công tư).

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và chi trả của người dân. Đối với giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, tôn trọng nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo nguyên tắc, căn cứ định giá quy định tại Luật này và phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, kê khai giá và đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án của Điều 110 về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và tương ứng với đó là 2 phương án của điểm đ khoản 3 Điều 108 về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại dự thảo Luật.

Còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục thảo luận

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vấn đề còn cần phải được tiếp tục tập trung thảo luận bao gồm: Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 25) và kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điều 24); thời hạn giấy phép hành nghề; điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Mục 3 Chương III); điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Mục 1 Chương IV); các quy định về chuyên môn kỹ thuật (Chương V); cấp chuyên môn kỹ thuật (Điều 104); tự chủ tài chính (Điều 108), thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110) và các nội dung liên quan đến tài chính khác tại Mục 2 Chương X; bảo đảm an ninh trật tự trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 114); lộ trình thực hiện và điều khoản thi hành Luật (Chương XII)…