Tỷ giá khó tăng thêm, lãi suất chỉ 0,25 – 1,25%/năm, người cầm đôla sẽ chuyển sang VND để có lãi cao hơn? - Ảnh: minh họa của Đ.T
Tỷ giá "nóng" do dư thừa tiền đồng
Sau xu hướng tăng lên từ tháng 5, bắt đầu căng thẳng cuối tháng 6 và trong tuần đầu tháng 7/2013, tỷ giá USD/VND liên tục điều chỉnh trong những ngày gần đây.
Ngày 29/7 đánh dấu sự đứt gãy dứt khoát của chuỗi giao dịch căng thẳng trên thị trường ngoại hối, khi các ngân hàng thương mại đồng loạt rút giá bán USD xuống dưới mức trần khoảng từ 40 - 50 VND. Điểm được chú ý trong ngày là chênh lệch giữa giá mua vào với bán ra đã dãn rộng phổ biến từ 80 - 100 VND. Khoảng cách này cho thấy các ngân hàng không còn quyết mua USD quyết liệt như đợt biến động vừa qua.
Ba ngày giao dịch nối tiếp, giá USD tiếp tục giảm thêm trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại. Mức giá bán ra tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cuối ngày 1/8 chỉ còn 21.170 VND, tức cách mức trần tới 76 VND; giá mua vào còn 21.100 VND. Tại một số ngân hàng khác, mức giá mua vào chỉ còn 21.070 VND.
Nguồn cung ngoại tệ từ doanh nghiệp và người dân chuyển đổi mạnh lên, ngân hàng có được vị thế chọn giá mua, thay vì quyết mua như đầu tháng 7.
Cung cũng là một điểm thuận lợi tạo thanh khoản tốt trên thị trường liên ngân hàng. Tỷ giá USD/VND trên liên ngân hàng cũng liên tục giảm nhanh, từ trên 21.200 VND xuống quanh mốc 21.150 VND.
Trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam, một cán bộ quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đánh giá rằng, đợt biến động vừa qua không xuất phát từ mất cân đối cung - cầu quá lớn. Mấu chốt của đợt biến động chủ yếu là sức ép từ trạng thái dư thừa tiền đồng.
Trong năm 2012 và quý 1/2013, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 15 tỷ USD, đồng nghĩa với đưa ra khoảng 300 nghìn tỷ đồng đối ứng. Dĩ nhiên nhà điều hành có các công cụ để trung hòa tác động của nguồn tiền này. Trong đó, lượng tín phiếu liên tục phát hành để hút tiền về lần lượt đáo hạn, đầu ra tín dụng vẫn khó khăn và tiền đồng có hiện tượng dư thừa trong hệ thống.
Sau loạt cắt giảm trong năm 2012 và đầu 2013, chênh lệch lãi suất giữa VND với USD đã thu hẹp. Đặc biệt, trên thị trường liên ngân hàng, một thời gian dài lãi suất VND các kỳ hạn qua đêm, theo tuần chỉ trên dưới 1%/năm, về sát với lãi suất USD. Dòng vốn VND ngắn hạn dư thừa tìm đến USD, như một kênh đầu tư trước mắt thay vì cho nhau vay lãi suất quá “bèo” như vậy.
Cộng hưởng, khi chênh lệch lãi suất không còn hấp dẫn như trước, vốn VND dư thừa, các ngân hàng thương mại từng chuyển đổi USD sang VND để kinh doanh trước đó “rút quân”, chuyển đổi vốn ngược trở lại sang USD để cân đối trạng thái ngoại tệ. Sự đảo chiều này đánh động thêm hoạt động đầu cơ, ít nhất nó tạo dấu hiệu kìm cung ngoại tệ và tỷ giá biến động. Dấu hiệu kìm cung cũng đã thể hiện rõ khi lượng tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp và dân cư đột ngột tăng cao trong tháng 5 và 6.
Trước diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước cùng lúc triển khai các giải pháp đồng bộ. Một mặt, cùng với việc tăng thêm 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng là giảm mạnh trần lãi suất huy động USD, đánh vào lợi ích để hạn chế vốn ngoại tệ găm giữ ở dạng tiền gửi. Thứ hai, bán ra can thiệp tức thời để tạo cung cho thị trường. Thứ ba, tổ chức các đoàn thanh tra mở rộng tại nhiều địa bàn để xử lý bất ổn trên thị trường tự do cũng như siết lại kỷ cương hệ thống.
Quan trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc xử lý yếu tố gây “nhiễu” từ dư thừa tiền đồng. Sau một tháng vắng mặt, tín phiếu đã được sử dụng trở lại và cấp tập phát hành. Chỉ hơn hai tuần đầu tháng 7, ước tính có trên 21 nghìn tỷ đồng đã được hút về. Vốn VND nhàn rỗi ngắn hạn được xử lý, lãi suất VND trên liên ngân hàng lập tức tăng cao, tạo chênh lệch lớn với lãi suất USD, VND trở nên có giá.
Một hậu thuẫn cho hướng xử lý trạng thái dư thừa tiền đồng là tín dụng đã tăng mạnh trong nửa cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Lãnh đạo một vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đầu ra tín dụng đã bắt đầu khơi thông rõ rệt hơn, hạn chế sự ứ đọng gây áp lực tới tỷ giá.
Tỷ giá sẽ khó giảm tiếp trong ngắn hạn?
Nhà điều hành vào cuộc, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt nhanh chóng. Điều này đã hạn chế kỳ vọng tỷ giá tăng ở các lực lượng găm giữ USD, kích thích bán ra. Thực tế, sau khi tăng mạnh trong tháng 5 và 6, lượng tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng đã có dấu hiệu chững lại.
Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định cam kết giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm. Sau lần tăng 1% ngày 28/6, dư địa để tăng tiếp theo cam kết tỷ giá tăng không quá 2 – 3% trong năm nay là rất hạn hẹp. Nhà điều hành tuyên bố bằng mọi biện pháp cần thiết để giữ ổn định đó.
Vậy thì, với chênh lệch lãi suất VND so với USD đủ lớn, cùng cam kết trên, cân nhắc lợi ích nắm giữ đã kích thích dòng vốn ngoại tệ chuyển đổi. Bản thân doanh nghiệp, người dân cũng không thể để đọng vốn ở dạng tiền gửi với lãi suất chỉ 0,25 – 1,25%/năm khi mà tỷ giá khó tăng thêm; họ tính toán chuyển đổi sang các kênh có lợi, đưa vào sản xuất kinh doanh, hoặc sang VND có lãi suất cao hơn.
Diễn biến từ 29/7 - 1/8, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại thừa nhận, cung ngoại tệ đã dồi dào, người dân và doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán ra.
Về tổng thể, dự báo cán cân tổng thể năm nay tiếp tục thặng dư 5 tỷ USD, cung ngoại tệ không còn là vấn đề lớn, mà quan trọng hơn là thị trường định hình một kỳ vọng hợp lý - điều mà Ngân hàng Nhà nước đã cam kết.
Trước nguồn cung mạnh lên, tỷ giá USD/VND liên tục giảm trong những ngày qua và hiện chưa có điểm dừng. Lúc này, một kịch bản trong ngắn hạn được tính đến: Ngân hàng Nhà nước bắt đầu canh mua, và khi họ phát tín hiệu thì đà giảm sẽ chững lại.
Thứ nhất, sau khi ngừng mua vào từ cuối quý 1/2013, Ngân hàng Nhà nước từng thời điểm đã phải bán ra can thiệp, cũng như phải nhập vàng cho hoạt động đấu thầu, dự trữ ngoại tệ bị tổn hao. Nguồn cung có dấu hiệu thuận lợi là cơ hội để xem xét mua vào bù đắp.
Thứ hai, nếu để tỷ giá USD/VND tiếp tục điều chỉnh sâu sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Mua vào, Ngân hàng Nhà nước vừa thể hiện vai trò là người mua bán sau cùng, vừa có nhiệm vụ điều hành chính sách tỷ giá hướng đến một sự hỗ trợ hợp lý cho xuất khẩu.
Theo đó, nếu đà giảm của tỷ giá tiếp tục thể hiện, kịch bản chờ đợi là tín hiệu từ mức giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Hiện giá mua vào USD của họ đang ở mức sàn 20.826 VND, chỉ mang tính “tượng trưng” bởi hiện không một ngân hàng thương mại nào bán lại với giá đó, thậm chí nó còn thấp hơn cả trước lần điều chỉnh ngày 28/6 vừa qua (20.850 VND). Vậy nên, những ngày tới, sẽ không bất ngờ nếu Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng giá mua vào USD.
Chính Trung