Sự kiện nằm trong dự án “Thúc đẩy sự tham gia khu vực tư nhân vào đầu tư ít phát thải và thích ứng với khí hậu trong việc thực hiện những đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam cho ngành nông nghiệp”. Nhiều kết quả đáng khích lệ từ dự án đã được UNDP, Bộ NN&PTNT và các tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu chia sẻ trong dự kiện này.

Chỉ trong vòng 3 năm, dự án đã tạo được những thành tựu đáng kể trong việc chuyển đổi chuỗi cung ứng thanh long ở Bình Thuận và tôm ở Bạc Liêu thành những điểm sáng về mô hình nông nghiệp xanh của địa phương, góp phần thực hiện “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) của Việt Nam.

UNDP và Bộ Nông nghiệp thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
Dự án đã góp phần cải thiện cuộc sống và sinh kế của gần 5000 nông dân địa phương trồng thanh long tại Bình Thuận. Ảnh: UNDP

Cụ thể, với thanh long ở Bình Thuận, dự án đã góp phần cải thiện cuộc sống và sinh kế của gần 5.000 nông dân địa phương, giới thiệu cho họ các phương pháp sản xuất xanh bền vững. Với việc chuyển đổi sang sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng và hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước thay vì phương thức truyền thống, người dân đã có thể cắt giảm 68% lượng phát thải các bon và tiết kiệm 50% năng lượng.

Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống tưới tiêu sử dụng năng lượng mặt trời áp mái và các công nghệ tiết kiệm nước đã có thể giúp giảm 42% lượng nước tiêu thụ, tiết kiệm cho mỗi trang trại ít nhất 600.000 đồng/ha (25 USD/ha).

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), dự án này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với sự phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng thanh long của Bình Thuận cũng là cơ hội để người nông dân và cộng đồng được trao quyền để áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Nông dân và hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nông nghiệp thích ứng với khí hậu và phát triển kinh doanh xanh. Dựa trên kinh nghiệm ở Bình Thuận, UNDP sẵn sàng hợp tác với Bộ NN & PTNT để đưa ra Đề án quốc gia về chuyển đổi ngành thanh long bền vững và phát thải ít các bon. Kế hoạch này sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất bền vững và phát thải carbon thấp, áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn và tận dụng các cơ chế tài chính bền vững để nhân rộng các mô hình này ra cả nước”.

Dự án đã giới thiệu một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, cung cấp thông tin cập nhật về nguồn gốc và chứng nhận chất lượng sản phẩm, cũng như truy xuất lượng khí thải carbon trên mỗi quả thanh long. Hệ thống này đã được áp dụng cho 269 ha trang trại được chứng nhận Global G.A.P, nâng cao tính minh bạch của sản phẩm và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường quốc tế.

“Tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của dự án. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các công cụ và hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử gắn với theo dõi dấu chân carbon, gắn với các ứng dụng điện tử thông minh cho phép quản lý một cách có hệ thống, góp phần thúc đẩy chuyển đổi sản xuất thanh long nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung sang hướng sản xuất xanh, bền vững, phát thải ít carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu” - ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết.