thạch đen

Cây thạch đen ở Tràng Định (Lạng Sơn). Ảnh: Tư liệu

Đó là thông tin tại hội nghị trực tuyến xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ thạch đen tỉnh Lạng Sơn năm 2021, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, sáng 25/9.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cây thạch đen được trồng chủ yếu ở Cao Bằng, Lạng Sơn và rải rác ở các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai cũng như một số tỉnh miền núi phía Bắc khác. Đây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng núi, vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng lượng sản phẩm thạch đen xuất khẩu đạt kim ngạch gần 1.4 triệu USD và còn nhiều dư địa phát triển.

Ngoài thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, thạch đen Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước khác như Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc… Đến nay, cả nước đã có 257 mã số vùng trồng thạch đen, với tổng diện tích hơn 1.000 ha và 8 cơ sở đóng gói được phê duyệt xuất khẩu. Riêng Lạng Sơn có 121 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói.

Với thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch thạch đen vào ngày 8/12/2020. Đây được xem như tấm giấy thông hành để sản phẩm thạch đen xuất khẩu chính ngạch sang nước bạn.

Để nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu và phát triển hết tiềm năng cây thạch đen, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tổ chức sản xuất theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiệu quả. Các vùng nguyên liệu tập trung tẩy mạnh công nghệ trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết sản xuất để tăng giá trị và quản lý tốt chất lượng sản phẩm...

Đồng thời, Bộ NN&PTNT hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật nhằm đàm phán mở cửa nhiều thị trường xuất khẩu cho thạch đen. Cùng với đó, địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, để quảng bá và tận dụng tối đa các kênh phân phối trực tuyến.

Phúc Nguyên