diễn đàn kinh tế tư nhân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm chính trị, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân sâu sắc, toàn diện hơn bao giờ hết. Ảnh: Đức Minh

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT, tập đoàn FPT bày tỏ sự xúc động với tình cảm của Thủ tướng dành cho DN tư nhân, trân trọng sự quyết tâm hành động của người đứng đầu Chính phủ. Cũng tại VPSF, nhiều kiến nghị của cộng đồng DN tư nhân đã được lắng nghe, trong đó, một số giải pháp đã được đề xuất ngay tại sự kiện này.

DN muốn Chính phủ hành động

Phát biểu mở đầu Diễn đàn, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cho biết, có một sự trùng hợp hết sức thú vị là ngày 3/6/2016, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ nhất thì tròn một năm sau, ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành một Nghị quyết dành riêng đầu tiên về phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển đất nước. “Đây là sự ghi nhận, cổ vũ, động viên vô cùng to lớn đối với cộng đồng DN tư nhân Việt Nam”, ông Bùi Văn Quân chia sẻ.

Tham gia Diễn đàn với tư cách đại diện tổ chức quốc tế, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Eric Sidgwick nhìn nhận, sự hiện diện của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn năm nay thể hiện sự coi trọng khu vực tư nhân cũng như cam kết của Chính phủ đối với sự phát triển của khu vực tư nhân, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cho các DN tư nhân.

Mở đầu cho phiên thảo luận, Ban Tổ chức đã thực hiện ngay cuộc thăm dò ý kiến của các DN tư nhân có mặt tại hội trường với câu hỏi là trong các thông điệp của Chính phủ, DN mong muốn tiêu chí nào nhất (liêm chính, kiến tạo và hành động). Kết quả cho thấy 65% ý kiến chọn hành động, 24% chọn liêm chính và 11% chọn kiến tạo.

Trước đề xuất của DN mong muốn Thủ tướng chia sẻ ý kiến, giúp DN vững tâm trong lần đầu tiên được đối thoại với Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, muốn hành động thì cần nhìn vào tương lai, phải có niềm tin. Và nhìn nhận về tương lai của Việt Nam, Thủ tướng nhắc lại đánh giá của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim năm 2014 rằng: “Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng, nhờ vào những nhà lãnh đạo, vào những DN tư nhân và vào người dân, cũng như vị trí địa lý nằm trong khu vực kinh tế năng động ở Đông Á. Nếu biết phát huy đầy đủ sức mạnh và khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân, thì thành công sẽ nối tiếp thành công, và hàng triệu người Việt Nam sẽ có cơ hội có được những việc làm tốt và cùng chung hưởng sự thịnh vượng của đất nước”.

Theo Thủ tướng, kinh tế tư nhân còn là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Những cỗ máy tăng trưởng ở mọi tỉnh, thành phố, với tiềm năng, thế mạnh riêng có, chủ yếu từ kinh tế tư nhân. Làm thế nào hiện thực hóa điều này, đó là câu hỏi lớn mà Thủ tướng mong muốn lắng nghe từ phía DN tư nhân. “Chúng tôi muốn lắng nghe các bạn, những tiếng nói chân thành, những vướng mắc để Chính phủ hành động”, Thủ tướng bày tỏ.

Để dòng tiền quay về Việt Nam đầu tư

Trong phiên đối thoại đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế tư nhân, ông Don Lam, Tổng giám đốc của quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam Vinacapital đã hỏi thẳng Thủ tướng về hiện tượng gần đây truyền thông đưa tin về việc người Việt chi tới 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ, và gửi 13-14 tỷ USD ra nước ngoài.

Đã đạt được hai phần ba kỳ vọng

Có thể nói, diễn đàn lần này đi được hai phần ba chặng đường chúng tôi dự kiến, vẫn còn một còn một phần ba cần thiết là sự đối thoại giữa cơ quan công quyền với người dân. Một phần ba nữa là ở chỗ còn nhiều cơ quan lập pháp, các cơ quan thực hiện ở cấp địa phương, cấp huyện cũng chưa tham gia được, ba là doanh nghiệp tư nhân ngoài việc phản ánh ý kiến còn phải tiếp thu được những ý kiến này, doanh nghiệp tư nhân cũng phải tự giác hơn, đem lại sức mạnh của mình và được thế giới công nhận sức mạnh của mình. Tôi hy vọng là đến diễn đàn sau chúng ta sẽ làm tốt được hơn nữa và thu hẹp được khoảng cách còn lại của những việc chưa làm được và phát huy gấp đôi, gấp ba sức tác động của diễn đàn này.

(Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF)).

“Vì sao dòng tiền lại chảy ra nước ngoài? Số tiền đưa ra nước ngoài rất lớn có phải cho thấy doanh nhân chưa thực sự yên tâm khi đầu tư, phát triển tại Việt Nam?”, ông Don Lam đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi của ông Don Lam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định dòng tiền đưa ra nước ngoài đã minh chứng Việt Nam là môi trường tự do kinh doanh rất tốt. Song, việc đưa tiền ra nước ngoài cũng là hiện tượng cần suy nghĩ, trong đó có việc duy trì lãi suất 0% với đồng USD. “Ngành Ngân hàng cần suy nghĩ về vấn đề này. Ngân hàng Nhà nước cần làm sao để đảo dòng tiền chảy ngược vào Việt Nam, thu hút thêm USD làm nguồn lực phát triển kinh tế đất nước”, Thủ tướng nói.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông lại nhấn mạnh doanh nhân Don Lam cần phải xem xét kỹ lưỡng các con số. “Cần phải so sánh cụ thể số tiền đem ra và kiều hối về nước. Con số 13-14 tỷ USD gửi ở nước ngoài là kiều hối tự vệ. Dòng tiền ra nước ngoài đó có thể là kiều hối đem về và lại chảy ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội khác”, ông Đông nói.

Các DN tham gia Diễn đàn cũng nêu rõ những trở ngại lớn về các thủ tục hành chính, chi phí không chính thức lớn, chi phí kinh doanh lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco bày tỏ với Thủ tướng rằng bản thân DN tư nhân khi khởi nghiệp đã mong muốn được cống hiến, góp phần vào phát triển đất nước. DN tư nhân đang là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam nên các chính sách thiết kế cho khu vực này cần phải nhìn xa trông rộng hơn.

Ông Tiền nói: “Nhiều nghiên cứu cho thấy, chi phí an sinh xã hội của một DN Việt lên tới 30% tổng chi phí của DN. Chi phí xuất khẩu hàng hoá của ta cũng lên tới 23% trong khi nghiên cứu của World Bank, chi phí này ở các nước chỉ là 10%. Những bất cập thì không thể nói hết trong vài giờ nhưng tôi muốn nói rằng rào cản phải được xoá bỏ, Chính phủ phải có biện pháp căn cơ, cải thiện môi trường kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển”.

Trả lời thắc mắc của ông Vũ Văn Tiền và cộng đồng DN tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh hiện có hơn 330 tỷ USD vốn FDI đang đầu tư ở Việt Nam. Năm 2016, số DN thành lập mới đạt kỷ lục 110.000 DN, 6 tháng năm 2017 đạt 75.000 DN thành lập mới. Môi trường kinh doanh Việt Nam đang được định hướng và liên tục cải thiện. Năm 2016, WB đã xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc.

“Chúng tôi nhận thức rằng còn nhiều chi phí không chính thức, chi phí lãi vay, logistic cản trở DN. Chính phủ cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí, tất cả các ngân hàng phải giảm lãi suất. Đến nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã công bố lãi suất tối thiểu các ngân hàng đã giảm 0,5%, loạt các chi phí khác được xem xét cắt giảm”, Thủ tướng nói.

Doanh nghiệp tư nhân hãy "ra khơi" mạnh mẽ hơn

Trước 1.000 DN tham gia Diễn đàn, Thủ tướng khẳng định quyết tâm chính trị, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân sâu sắc, toàn diện hơn bao giờ hết, mà Nghị quyết của Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế hay “hãy xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng hướng”. “Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nêu rõ và khẳng định tinh thần “những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm”.

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. DN tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50–60% GDP.

Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để DN, đặc biệt là các DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp phát triển thuận lợi.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với các khu vực DN tư nhân Việt Nam; giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn; luôn đồng hành với DN, xem những khó khăn của DN là khó khăn của bộ, ngành mình. “Phải có cả tâm lẫn tài. Tâm thôi không đủ mà cần phải nâng cao năng lực để bắt nhịp và thích ứng với đòi hỏi của kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nêu rõ. Công tác quản lý phải đi kịp sự phát triển, nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước hết là thể chế chính sách phải phù hợp, phải sửa đổi kịp thời hơn.

Với các địa phương, Thủ tướng mong muốn cần liên kết, chia sẻ cơ hội và giới thiệu cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau, không phát huy được lợi thế so sánh đặc thù của địa phương mình. Tạo dựng sẵn các nguồn lực như đất đai, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách đặc thù… để nhà đầu tư không phải chờ đợi.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắn nhủ ngành Ngân hàng cần nhận thức việc DN khó khăn tiếp cận nguồn vốn có phần trách nhiệm của mình. Các DN làm ăn được mới có dòng tiền về ngân hàng, ngân hàng cùng DN phát triển. Hơn lúc nào hết, ngành Ngân hàng cần hiểu rõ, thấu đáo các quy trình sản xuất, khó khăn, thách thức đối với DN. Cần phải tư duy theo hướng này và cụ thể hóa bằng những cơ chế cho vay linh hoạt./.

Chỉ số niềm tin doanh nhân CEO.CI

Chỉ số niềm tin doanh nhân CEO.CI lần đầu tiên do Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) và Hội doanh nhân trẻ Việt Nam (VYEA) thực hiện và công bố cho thấy, 44% doanh nghiệp tư nhân tham gia khảo sát cho biết đã từng bỏ lỡ cơ hội kinh doanh trong năm 2016 do các quy định hạn chế thị trường hoặc rào cản pháp lý.

Các rào cản đó là: giấy phép con quá nhiều, khởi nghiệp khó do không xin được giấy phép do ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục, giấy phép chuyên ngành xuất nhập khẩu quá nhiều và phức tạp, thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, bảo hiểm, chính sách cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, chính sách cấp visa...

Minh - Hường