Những mầm ươm mới
Tháng 7 khởi đầu đầy ấn tượng với kỷ lục hơn 24.400 doanh nghiệp mới được thành lập, vượt xa con số bình quân 15.000 trước đây. Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng vọt 91% so với cùng kỳ, trải rộng từ khu vực doanh nghiệp đến hộ kinh doanh cá thể. Xu hướng này cho thấy niềm tin thị trường đang phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành, mở ra tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.
Cụ thể, Nghị quyết 68-NQ/TW về đặt mục tiêu cụ thể có 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030, cũng như ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề tiếp theo vì thế là làm thế nào để "nuôi" được doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn và giúp doanh nghiệp lớn có khả năng vươn mình ra quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Phương - Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, thách thức không chỉ nằm ở việc thiếu vốn mà quan trọng hơn là sự thiếu vắng các doanh nghiệp tiềm năng. Việc tìm kiếm các doanh nghiệp tư nhân đáp ứng tiêu chí đầu tư - những đơn vị có tiềm năng tăng trưởng bền vững, được dẫn dắt bởi đội ngũ lãnh đạo và người sáng lập có tầm nhìn dài hạn, đáng tin cậy - chính là rào cản lớn nhất khiến các quỹ đầu tư dè dặt trong việc rót vốn.
Sự sự thiếu vắng các doanh nghiệp chất lượng cao, có nguy cơ dẫn đến thiếu hụt thế hệ doanh nghiệp mới - lực lượng tiên phong cho tương lai và động lực cốt lõi cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì đà phát triển bền vững của nền kinh tế.
"Để tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 68-NQ/TW, doanh nghiệp cần thể hiện sự sẵn sàng hợp tác lâu dài, khả năng thích ứng với các thay đổi về công nghệ và phương thức quản trị hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh" |
Công thức để doanh nghiệp tư nhân “bùng nổ” nằm ở sự đồng hành của các quỹ đầu tư. Không chỉ cung cấp vốn, các quỹ còn đóng vai trò đối tác chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, tối ưu hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô và chuẩn hóa hệ thống. Qua đó, doanh nghiệp được chuẩn bị sẵn sàng để niêm yết và tiếp cận thị trường vốn quốc tế, tạo đà cho sự phát triển bền vững và vươn xa.
Sự tham gia của quỹ cũng thúc đẩy quá trình sáp nhập và hình thành các doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khi các doanh nghiệp này lên sàn, sẽ tạo thêm hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán, từ đó góp phần tăng quy mô cho thị trường vốn.
Hòa Phát là một ví dụ điển hình về việc nắm bắt cơ hội thành công trong giai đoạn kinh tế mở cửa. Hòa Phát bắt đầu xây nhà máy mở rộng công suất lên 2,5 triệu tấn/năm thép xây dựng vào năm 2007. Khu liên hợp sản xuất thép tích hợp tại Hải Dương này được VOF (một quỹ đầu tư của VinaCapital) đầu tư 47 triệu USD dưới hình thức vốn cổ phần, tương đương 5% giá trị vốn hóa khi đó.
Sau 17 năm, công suất của Hòa Phát lên đến 8,5 triệu tấn/năm, đi cùng doanh thu tăng 25,6 lần so với trước. Nhà sản xuất thép có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện đứng trước nhiều cơ hội tham gia vào các dự án lớn.
Thị trường rộng mở, cơ hội còn rất lớn
Nghị quyết 68-NQ/TW nhắc đến chương trình như “Go Global” hay “1000 doanh nghiệp tiên phong” khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đổi mới sáng tạo. Điều này mở ra cơ hội cho các quỹ đầu tư tìm kiếm những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc startup công nghệ có tiềm năng mở rộng quy mô.
|
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Phương, sự tham gia của các quỹ đầu tư mở ra cơ hội rộng lớn trên nhiều lĩnh vực. Không chỉ giới hạn ở các ngành truyền thống như y tế hay giáo dục, các quỹ còn có thể thúc đẩy hiện đại hóa những ngành phân mảnh, sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng thông qua mô hình hợp tác công tư, bao gồm các dự án giao thông, dữ liệu, logistics, cũng như các lĩnh vực mũi nhọn và tiên phong như trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư.
“Những chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp tư nhân tự tin phát triển mà còn tạo động lực để các quỹ đầu tư đồng hành, cùng lớn mạnh với họ. Sự thay đổi này cũng giảm rủi ro đáng kể, tăng niềm tin cho các quỹ đầu tư về khả năng sinh lời và thoái vốn an toàn” - bà Phương cho biết thêm.
Cải thiện hoạt động các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để tăng cường dòng vốn đầu tư dài hạn, cũng là một trong những mục tiêu lớn mà cơ quan quản lý nhắc đến trong thời gian tới. Thực tế cũng đang cho thấy, thị trường còn thiếu các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và ngành quỹ cần tiếp tục được tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn thông qua chính sách, cơ chế mang tính đột phá.
Trong kỷ nguyên tăng trưởng mới với hàng loạt chính sách đổi mới trên mọi lĩnh vực, các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ tự tin IPO ở trong và "lập nghiệp", gọi nguồn vốn lớn trên chính sân nhà. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, chính các doanh nghiệp cần tự định vị mình trở nên “chất lượng” hơn, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các quỹ đầu tư lớn. “Chất lượng” ở đây bao gồm năng lực quản trị, tầm nhìn dài hạn và tiềm năng tăng trưởng bền vững, từ đó mở ra dư địa huy động vốn dài hạn, nâng cao chất lượng quản trị và tạo nền tảng vững chắc để vươn ra thị trường toàn cầu.
“Để tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 68-NQ/TW, doanh nghiệp cần thể hiện sự sẵn sàng hợp tác lâu dài, khả năng thích ứng với các thay đổi về công nghệ và phương thức quản trị hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh” - bà Phương nhấn mạnh về việc bản thân các doanh nghiệp cũng phải thay đổi.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Phương: “Nghị quyết 68-NQ/TW được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân vẫn dựa vào vốn tín dụng, trong khi đó, tại các nền kinh tế phát triển, vốn cổ phần đóng vai trò chủ đạo. VinaCapital vẫn đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng để đầu tư. Việc khơi thông nguồn vốn từ các quỹ đầu tư sẽ giúp đa dạng hóa tài chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa sản xuất và phát triển các ngành mũi nhọn như AI, bán dẫn, y tế, giáo dục… tạo động lực cho tăng trưởng bền vững”./.