![]() |
Doanh nghiệp tư nhân đã có những thương hiệu ô tô mà doanh nghiệp nhà nước chưa làm được. Ảnh minh họa |
![]() |
PV: Ở góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về bức tranh doanh nghiệp tư nhân hiện nay đối với sự phát triển kinh tế đất nước đang đổi mới từng ngày?
Ông Đậu Anh Tuấn: Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển đột phá cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước đây số lượng kinh tế tư nhân ít, nhưng hiện nay đã lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới. Rõ ràng, nhìn những sản phẩm, dịch vụ chúng ta dùng hàng ngày, thì dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân thể hiện rất đậm nét, có một sự thay đổi rất lớn.
Lấy doanh nghiệp là trung tâm chủ thể cải cáchBộ Chính trị nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể cải cách. Việt Nam sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, nỗ lực vươn lên. Đồng thời, đội ngũ doanh nhân sẽ được tôn vinh, cổ vũ để phát triển lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội. |
Điểm nổi bật là doanh nghiệp tư nhân đang đảm nhiệm vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia xây dựng những công trình hạ tầng quan trọng của quốc gia, như đường cao tốc, sân bay, cảng biển... doanh nghiệp tư nhân đã có những thương hiệu ô tô mà doanh nghiệp nhà nước chưa làm được. Có thể thấy, khu vực kinh tế tư nhân đã có bước phát triển hết sức mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, như trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao.
PV: Nhằm tạo đột phá trong phát triển, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã có nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, ông có cảm nhận thế nào về những quyết sách mang tính chiến lược này?
Ông Đậu Anh Tuấn: Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia với tư duy đột phá. Việc này giúp đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.
Cụ thể, Bộ Chính trị khẳng định phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài. Do đó, định hướng này cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước. Việc này nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ nguồn lực, nhất là trong nhân dân, cho phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm nổi bật của nghị quyết được cộng đồng đánh giá cao, theo tôi là Bộ Chính trị cũng yêu cầu xóa bỏ triệt để "định kiến về kinh tế tư nhân", đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân với phát triển đất nước. Cùng với đó, phải nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân.
Doanh nghiệp, doanh nhân phải được bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Họ được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực như vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác.
Cùng với đó, cơ quan quản lý xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên, nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và làm giàu hợp pháp, chính đáng.
PV: Từ chính sách đến thực tế vào cuộc sống luôn có khoảng cách lớn, để các nghị quyết phát huy hiệu quả, ông có đề xuất quan trọng nào?
Ông Đậu Anh Tuấn: Để nhanh chóng được thể chế hóa, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã nêu 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp, quán triệt, toàn hệ thống chính trị nhất quán tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân với các nhóm nhiệm vụ quan trọng.
Trong đó, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, áp dụng phương pháp quản lý theo rủi ro để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đồng thời, cần chấm dứt tình trạng chồng chéo pháp luật, tiến tới tinh giản hóa các quy định không cần thiết, xây dựng một hệ thống pháp luật thân thiện hơn với hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. Tinh thần chủ đạo của chính sách phải là hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh, trong đó cần triển khai các cơ chế thử nghiệm chính sách để tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới phát triển.
Đặc biệt, cần có giải pháp về vốn cho doanh nghiệp. Trên thực tế, hiện nay khi phần lớn doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao, hệ sinh thái khởi nghiệp còn thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm, dù Việt Nam đang đứng thứ ba Đông Nam Á về khởi nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!
“Đại phẫu” về thể chếPhát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chuyển từ tư duy "quản lý" sang "phục vụ", từ bị động sang chủ động, linh hoạt kiến tạo sự phát triển; cải cách triệt để, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đã góp ý về các chính sách để tạo chuyển biến tích cực cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo đại biểu, cần phải có một cuộc "đại phẫu" thể chế thật sự, bắt đầu từ việc khoán rõ ràng cho từng bộ ngành chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính cụ thể theo từng lĩnh vực quản lý, có cam kết, có giám sát và có chế tài. Về phía doanh nghiệp, cũng phải tận dụng cơ chế để vươn mình. Theo ông Phạm Bình An - Viện Phó Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp tư nhân cần chú trọng đến "Bộ tứ trụ cột" trong các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57-NQ/TW (chuyển đổi số), Nghị quyết 59-NQ/TW (hội nhập quốc tế), Nghị quyết 66-NQ/TW (cải cách thể chế pháp lý) và Nghị quyết 68-NQ/TW (kinh tế tư nhân). Về phía Chính phủ thời gian tới tiếp tục tập trung vào các chính sách hỗ trợ và khuyến khích chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các nghị định cần nhanh chóng được ban hành để giúp các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn lực và các chương trình đào tạo. Điều quan trọng hơn hết vẫn là cơ chế, thể chế. Do đó, Chính phủ cần tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, đảm bảo minh bạch trong thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này bao gồm việc thúc đẩy hệ thống tài chính cân bằng, phát triển mạnh mẽ các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn. |