Tổng kết, trao giải Cuộc thi ảnh “Nét đẹp cán bộ, công chức ngành Kiểm sát” Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn về lĩnh vực tòa án và kiểm sát Nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng

Thiếu quy định để miễn trách nhiệm hình sự khi lỗi do rủi ro, không vụ lợi

Tại phiên chất vấn chiều 20/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao Lê Minh Trí cho biết, giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế là vấn đề lớn, vĩ mô liên quan đến nhiều cấp ngành.

Xử lý nghiêm người chủ mưu, vụ lợi, nhưng cần nhân văn với người chịu rủi ro

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định)

Dưới góc độ của ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, nhà nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả cải cách hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ dễ hiểu, dễ áp dụng và không thể làm khác. Lấy ví dụ vấn đề đấu giá đất, Viện trưởng chỉ ra, cùng một nội dung, nhưng Luật Đất đai yêu cầu phải đấu giá, còn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản thì không.

Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, ông Trí cho rằng, cần bịt các lỗ hổng trong quy định đã bị lợi dụng, đồng thời có lộ trình hạn chế tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát. Chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Về vấn đề chống chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, tạo cơ chế để không thể, không muốn, không dám tham nhũng mà đại biểu đề cập, Viện trưởng Viện KSND tối cao khẳng định quan điểm phải xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, đối tượng chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, càng xử lý nghiêm khắc càng răn đe giáo dục tốt.

Tuy nhiên, có thực tế đặt ra là thực tiễn vụ án và vận dụng pháp luật hiện nay, có những trường hợp thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, hoặc cấp trên gợi ý, nhưng cấp dưới phải chấp hành, hoặc do cấp dưới tham mưu không chính xác, nhưng đó là sự rủi ro, ngoài dự kiến. Khi đó, họ chủ động khắc phục hậu quả, hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án thì việc áp dụng miễn, giảm, tha theo luật hiện hành là vướng.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, luật hiện hành quy định "khi tính chất gây hậu quả không đáng kể" thì được giảm trách nhiệm hình sự, nhưng quy định này không định lượng nên rất khó áp dụng. Hay Bộ luật Hình sự cũng có điều khoản miễn trách nhiệm hình sự có điều kiện. Tuy nhiên, trong giai đoạn đất nước phát triển hiện nay, lỗi do vô ý hoặc do khối lượng công việc lớn kiểm soát không được, không chủ đích chiếm đoạt, vụ lợi có thể dẫn đến chuyện hậu quả không lớn vẫn bị xử lý hình sự, nếu không xử lý thì vi phạm pháp luật.

Xử lý nghiêm người chủ mưu, vụ lợi, nhưng cần nhân văn với người chịu rủi ro
Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí

Nghiên cứu thay đổi cơ chế, chính sách để cán bộ an tâm công tác

Từ đó, Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị rà soát, sửa các điều luật cụ thể. Lấy ví dụ về vụ án Việt Á, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án ngồi với nhau nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chủ trương chính sách hình sự phân hóa làm 3 loại: Xử lý nghiêm, giảm và không xử lý hình sự, mà chỉ xử lý về mặt Đảng và hành chính. "Tuy nhiên đó là trong từng vụ án cụ thể với tính đặc biệt nghiêm trọng, với nhiều đối tượng thì cơ quan chức năng tham mưu đề xuất thế, chứ còn tổng thể áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc thì chưa có", ông Trí cho hay.

Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết, theo Quy định 69 của Bộ Chính trị thì khi chấp hành mệnh lệnh cấp trên mà làm sai thì không kỷ luật, nhưng quy định đó phải cụ thể hóa bằng luật pháp. Đảng không kỷ luật, nhưng hành vi cụ thể là vi phạm pháp luật cộng với gây ra hậu quả thì là vướng. "Như phương án xử lý vụ Việt Á là vận dụng pháp luật và xin chủ trương chứ không áp dụng pháp luật được" - Viện trưởng Lê Minh Trí giải thích thêm.

Từ thực tế này, ông cho rằng vấn chất vấn của đại biểu là việc lớn, phải được thực hiện đồng bộ, có chủ trương, phân công các cơ quan, ngành ngồi lại rà lại về chủ trương, chính sách pháp luật hình sự để điều chỉnh. Đơn cử như Điều 219, Điều 360 của Bộ luật Hình sự hiện quy định gây thiệt hại 100 triệu đồng là khởi tố và xử lý hình sự. Theo ông Trí, cần xem lại mức này vì đây là mức đưa ra từ năm 1999, nay vẫn giữ là không còn phù hợp.

Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng đề nghị cần nghiên cứu tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù, đảm bảo xử lý nghiêm người chủ mưu, cầm đầu, chiếm đoạt, vụ lợi, nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn với những người đối mặt với rủi ro. Như Luật Đất đai có nhiều bất cập, hiện đang được nghiên cứu sửa đổi, ai làm trong lĩnh vực xử lý liên quan đất đai cũng đối mặt với rủi ro lớn. Vì vậy, phải đồng bộ giải quyết, có chủ trương để tháo gỡ.

Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh cần có cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy định chế tài quản lý nhà nước thật tốt để người có quyền không dám lợi dụng quyền lực, bên cạnh đó cần nghiên cứu để có lộ trình thay đổi cơ chế, chính sách đảm bảo cán bộ an tâm công tác. Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là vấn đề đã khiến ông trăn trở suy nghĩ và đã phát biểu nhiều lần.

Hiện nay, chế độ chính sách cho cán bộ các cấp mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều khó khăn. Do đó, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng cần nghiên cứu lộ trình, giải pháp để đảm bảo chế độ để cán bộ yên tâm công tác, đảm bảo giảm bớt khó khăn cho người cán bộ tâm huyết, muốn giữ gìn sự trong sáng, đạo đức nghề nghiệp.

Chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm là thách thức lớn

Trả lời đại biểu về vấn đề chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết đây là chủ trương xuyên suốt của ngành, nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ. Tuy nhiên, 2 yêu cầu này có sự mâu thuẫn với nhau trong thực tế giữa đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và không để lọt tội phạm là thách thức lớn với các cơ quan tiến hành tố tụng.