Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần chuyển dịch từ tiểu ngạch sang chính ngạch
Chuối là một trong những mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Khánh Linh

Trung Quốc "siết chặt" các mặt hàng không được phép xuất khẩu chính ngạch

Tại cuộc họp bàn về việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch tại thị trường Trung Quốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chiều ngày 9/3, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, thách thức đối với hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc hiện nay là Trung Quốc ngày càng giám sát chặt chẽ các mặt hàng không được phép xuất khẩu chính ngạch.

Thời gian qua, một số mặt hàng như sầu riêng, chanh leo… vẫn xuất qua các đường mòn, lối mở theo phương thức trao đổi cư dân biên giới nhưng hiện nay cũng không thể nhập khẩu vào Trung Quốc.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với các bộ ngành, địa phương biên giới hiện đại hóa, điện tử hóa hệ thống thông tin thị trường để kịp thời cung cấp tới các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp về nhu cầu, giá cả, thay đổi chính sách… của thị trường Trung Quốc; phát triển các sàn giao dịch, hình thức thương mại điện tử đối với hàng nông sản, xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc, tăng cường và siết chặt quản lý xuất nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam. Đặc biệt, một số loại nông sản của Việt Nam như: bưởi, dừa, chanh leo, roi, sầu riêng, sắn lát, thạch đen… khó xuất khẩu được theo hình thức biên mậu tại các cửa khẩu phụ trước đây Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm với mục đích hạn chế và duy trì lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo hướng có lợi nhất. Chẳng hạn như Trung Quốc chỉ định hoặc cấp phép nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc chỉ thông quan một loại hàng hóa tại một cửa khẩu... khiến các doanh nghiệp Việt Nam thường bị động.

Đặc biệt, ​​​​​​ Trung Quốc vẫn siết chặt nhập khẩu bởi chính sách “Zero Covid” với tất cả các nước nhập khẩu, nên việc kiểm soát hàng hóa từ khâu đóng gói, vận chuyển để đảm bảo trong kiểm soát dịch.

Cuộc cách mạnh cần có sự kiên trì, sẵn lòng

Để tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường này, dần “xoá sổ” tình trạng hàng hoá ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là điều không thể trì hoãn thêm nữa.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị sớm để chuyển nhập khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Thị trường này cũng ngày càng chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt dường như chưa có sự sẵn sàng.

Ông Đinh Cao Khuê- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao (DOVECO) nhận định, cần chuyển sang chính ngạch càng sớm càng tốt, mọi vấn đề trong thương mại sẽ minh bạch. "Một số doanh nghiệp Trung Quốc chỉ thích đi chính ngạch với doanh nghiệp lớn" - ông Đinh Cao Khuê nói.

Tuy nhiên, để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc - Giám đốc Công ty CP Chuỗi nông sản thực phẩm Việt phân tích, muốn chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng trả ngay 100% tiền nhưng họ đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải tốt. Doanh nghiệp Việt Nam phải có chuỗi liên kết, nguồn cung ổn định. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp phải có ký kết hợp đồng liên kết với nông dân trong bao tiêu sản phẩm. Không những vậy, yếu tố quan trọng nữa là đẩy mạnh chế biến sâu.

Về định hướng và lộ trình chuyển xuất khẩu nông sản tiểu ngạch sang chính ngạch thời gian tới, Bộ NN&PTNT xác định sẽ kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành tăng cường đàm phán về mở thêm các cửa khẩu thực hiện thông quan, xuất nhập khẩu chính ngạch. Cùng với đó, mở thêm các hình thức xuất khẩu chính ngạch qua đường sắt, đường biển; hợp tác hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kết nối giữa các tỉnh biên giới với Trung Quốc...

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch là cuộc cách mạnh cần có sự kiên trì và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại. Do đó, phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng...

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian vừa qua ngành vẫn còn sản xuất để xuất khẩu tiểu ngạch chứ chưa phải sản xuất để xuất khẩu chính ngạch. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần chuẩn hóa từ đầu cung, điều kiện doanh nghiệp khi tiếp cận ở các vùng nguyên liệu chứ không chỉ là chuyển cách thức thương mại ở cửa khẩu mà quan trọng có hệ thống từ đầu cung đến đầu cầu, từ tổ chức sản xuất đến tổ chức thị trường.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, tính đến ngày 07/3/2022, có 1.853 doanh nghiệp được Hải quan Trung Quốc cấp mã, đảm bảo xuất khấu nông sản, thực phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc