PV: Thưa ông, hiện nay có ý kiến cho rằng xăng là mặt hàng cần thiết, là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng này là chưa phù hợp. Vậy quan điểm của ông như thế nào về việc đánh thuế TTĐB đối với xăng?

Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là phù hợp với thông lệ quốc tế
TS. Nguyễn Như Quỳnh

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Thuế TTĐB là sắc thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng do hàng hóa, dịch vụ đó có hại cho sức khoẻ (như thuốc lá, rượu, bia...), cần tiêu dùng tiết kiệm (như xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp, đắt tiền cần điều tiết thu nhập (như ô tô, máy bay, du thuyền...). Như vậy, mặc dù xăng là mặt hàng cần thiết và là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, nhưng xăng lại là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo nên cần phải sử dụng tiết kiệm, do đó việc áp dụng thuế TTĐB đối với xăng là phù hợp để điều tiết việc tiêu dùng, tránh lãng phí. Luật thuế TTĐB quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1999 và hiện nay theo Luật số 70/2014/QH13, xăng tiếp tục là đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất từ 7 - 10%, trong đó các loại xăng sinh học được áp thuế thấp hơn để khuyến khích sử dụng thay thế xăng thông thường. Hơn nữa theo thông lệ quốc tế thì xăng luôn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

PV: Là người làm công tác nghiên cứu, ông có thể cho biết kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về chính sách thuế TTĐB đối với xăng, thưa ông?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế TTĐB cho thấy, phần lớn các nước trên thế giới đều áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng. Đơn cử tại nhiều quốc gia châu Âu thu thuế TTĐB đối với xăng như Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Bungari, Tây Ban Nha, Phần Lan, Hà Lan, Ý, Anh… Mức thuế TTĐB phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia và loại xăng (xăng sinh học, xăng khoáng, xăng có chì hay không chì, chỉ số octane hay hàm lượng lưu huỳnh…). Trong đó, phần lớn các quốc gia châu Âu thu thuế TTĐB với mức từ 0,5 - 0,7 EUR/lít (tương đương 13.000 - 18.000 đồng/lít), chỉ có Bungari thu ở mức thấp hơn là 0,363 EUR/lít đối với xăng không chì và 0,424 EUR/lít đối với xăng có chì (tương đương 9.000 đồng/lít và 11.000 đồng/lít).

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Tại một số nước châu Á, Hàn Quốc áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp, bao gồm mức thuế tuyệt đối là 311 KRW/lít (tương đương 5.800 đồng/lít) và mức thuế tương đối là 15%; Trung Quốc thu 1,52 CNY/lít (5.500 đồng/lít); Ấn Độ thu 32,9 INR/lít (9.920 đồng/lít). Các nước trong khu vực ASEAN cũng thu thuế TTĐB với mặt hàng xăng như: Lào (thuế suất 39%); Campuchia (thuế suất 25%); Myanmar (thuế suất 10%); Philippines (10 PHP/lít, tương đương 4.400 đồng/lít); Singapore (0,41 SGD/lít, tương đương 6.900 đồng/lít); Thái Lan thu 6,50 THB/lít (4.430 đồng/lít) đối với xăng khoáng, 5,85 THB/lít (3.980 đồng/lít) đối với xăng 95 E10, 5,2 THB/lít (3.540 đồng/lít) đối với xăng 95 E20.

Tại Việt Nam, thuế suất thuế TTĐB đối với xăng thông thường là 10%, với giá xăng bán lẻ khoảng 27.000 đồng/lít thì số thuế TTĐB cao nhất là 1.700 đồng/lít. Như vậy, việc áp dụng thuế TTĐB đối với xăng ở Việt Nam là phù hợp với mục tiêu thu thuế TTĐB, phù hợp với thông lệ quốc tế và là mức thấp so với các nước trên thế giới, bao gồm cả các nước trong khu vực ASEAN.

PV: Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, các chính sách thuế đối với xăng dầu đã có những điều chỉnh như thế nào để góp phần ổn định giá trong nước, thưa ông?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Trong giai đoạn vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới xảy ra nhiều biến động, đặc biệt là tình trạng giá dầu thô tăng cao, khan hiếm nguồn cung. Giá dầu thế giới cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt của các nước đối với Nga. Khi giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng, sẽ tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước.

Để góp phần ổn định giá xăng dầu thì việc điều chỉnh thuế đối với mặt hàng này là cần thiết mặc dù tỷ trọng thuế trong giá xăng bán ra ở Việt Nam (khoảng 35% nếu giá dầu thô thế giới là 100 USD/thùng) vẫn thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới (chủ yếu trong khoảng 45 - 60%, ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn). Về cơ bản, việc điều chỉnh chính sách thuế cũng như điều hành giá xăng dầu phải thực hiện linh hoạt, bám sát thị trường và đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế.

Để kịp thời bình ổn giá xăng dầu nhằm hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân, ngày 23/3/2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu, mỡ nhờn. Trong đó, từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng (trừ etanol) xuống còn 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn xuống còn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn xuống còn 1.000 đồng/kg; giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa xuống còn 300 đồng/lít. Mặc dù việc giảm thuế nêu trên sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng, tuy nhiên sẽ góp phần giúp bảo đảm ổn định giá xăng dầu kịp thời trước biến động của giá dầu thô trên thị trường thế giới để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ở Việt Nam có mức thấp so với các nước

Tại Việt Nam, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng thông thường là 10%, với giá xăng bán lẻ khoảng 27.000 đồng/lít thì số thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất là 1.700 đồng/lít. Như vậy, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ở Việt Nam là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt, phù hợp với thông lệ quốc tế và là mức thấp so với các nước trên thế giới, bao gồm cả các nước trong khu vực ASEAN.