Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết đây là một hành động thông báo phản đối chính thức của Australia, sau rất nhiều lần đề cập tới vấn đề này với phía Ấn Độ.
Ông Birmingham nói: "Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ xem xét lại quan điểm của mình, liên quan đến khoản trợ cấp 1 tỷ USD cho các nhà sản xuất đường. Điều này đã đẩy giá đường thế giới xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua".
Theo ông Birmingham, người nông dân trồng mía Australia mong muốn được đảm bảo bằng luật quốc tế, cạnh tranh công bằng với các quốc gia khác. Chính phủ Australia sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận với Ấn Độ thông qua WTO. Tuy nhiên, ông Birmingham thừa nhận vấn đề này sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết.
Dự kiến, vụ kiện sẽ bắt đầu được thảo luận tại cuộc họp của Ủy ban Nông nghiệp WTO vào cuối tháng này.
Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn thứ hai và là nước tiêu thụ nhiều đường nhất thế giới. Trong những năm gân đây ngành trồng mía và sản xuất đường của Ấn Độ luôn đạt năng suất cao kỷ lục, dấn đến tình trạng dư thừa đường trong nước.
Ấn Độ kiểm soát ngành công nghiệp mía đường bằng cách áp mức giá mua tối thiểu đối với mía và để duy trì sự ủng hộ của nông dân trồng mía đối với chính phủ, New Delhi liên tục tăng mức giá mua tối thiểu đó.
Các nhà máy đường được yêu cầu phải mua tất cả mía do nông dân mang đến bán ở mức giá do chính phủ đặt ra.
Trong khi đó, giá đường bán ra cho người tiêu dùng trong nước lại được thả nổi, dẫn đến tình trạng giá đường xuống thấp dưới mức giá mua nguyên liệu đầu vào.
Để đối phó với tình trạng này, các nhà máy đường Ấn Độ đã chủ động tích trữ đường trong kho, chờ giá tăng lên hoặc đợi nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ mới mang ra bán, dẫn tới tình trạng dư thừa đường càng gia tăng.
Trong niên vụ 2018-2019 (bắt đầu từ tháng 10/2018 đến tháng 9/2019), để giải quyết lượng đường dự trữ dư thừa, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các nhà máy đường nội địa bắt buộc phải xuất khẩu 5 triệu tấn đường.
New Delhi ban hành hàng loạt các gói trợ cấp khác nhau, trị giá hàng triệu rupee, nhằm "cứu" ngành công nghiệp đường trong nước, như trợ cấp vận tải, chia sẻ với các doanh nghiệp chi phí vận chuyển nội bộ, cước phí, bốc dỡ, hỗ trợ sản xuất đối với người trồng mía, tăng thuế nhập khẩu đối với đường lên 100% và bỏ thuế xuất khẩu đường…
Theo TTXVN