Giá trị sản phẩm được nâng lên từ 10 - 15%

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, vai trò quan của công tác quản lý nhà nước về nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) được tỉnh Bắc Giang quan tâm, chú trọng. Đặc biệt là hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của địa phương góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bắc Giang: Đổi mới, nâng cao hiệu quả sở hữu trí tuệ góp phần phát triển kinh tế
Chỉ dẫn địa lý giúp vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) gia tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ảnh: CT

Chính vì vậy, đến nay toàn tỉnh Bắc Giang đã có 2.569 đơn đăng ký nhãn hiệu, được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu là 1.284; đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 84, đã được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền là 57; đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích là 45, đã được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền là 11.

Hiện nay, Bắc Giang có 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 74 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm tiềm năng của tỉnh.

Qua thống kê cho thấy các sản phẩm đặc sản địa phương sau khi được xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ đều chuyển biến tích cực. Giá trị sản phẩm được nâng lên từ 10 - 15% và giữ ổn định qua các năm. Thị trường tiêu thụ được mở rộng. Danh tiếng và uy tín sản phẩm từng bước được khẳng định, qua đó từng bước xây dựng ý thức xây dựng và phát triển sản phẩm dựa trên công cụ sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.

Để đạt được một số kết quả trên, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền thì công tác tham mưu triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang thường xuyên có sự đổi mới sáng tạo.

Sở KH&CN Bắc Giang đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản quản lý về SHTT, trong đó nổi bật là kế hoạch về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Xây dựng, bảo hộ tài sản trí tuệ gắn với phát triển kinh tế

Theo Sở KH &CN tỉnh Bắc Giang, công tác tuyên truyền về hoạt động quản lý nhà nước về SHTT luôn được đơn vị đẩy mạnh.

Sở KH&CN đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động về đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về SHTT, góp phần quan trọng vào việc nâng cao kiến thức, nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp về SHTT và các quy định của pháp luật về SHTT nói chung, sở hữu công nghiệp nói riêng.

Bắc Giang: Chú trọng nâng cao hiệu quả sở hữu trí tuệ góp phần phát triển kinh tế
Mỳ Chũ, Bắc Giang đạt chất lượng sản phẩm OCOP. Ảnh: TL

Việc xây dựng thương hiệu đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, các sản phẩm được bảo hộ phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và yêu cầu của quốc tế, khẳng định tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn tỉnh đã sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa đáp ứng được yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Thông qua việc bảo hộ SHTT cho các sản phẩm: gạo thơm Yên Dũng, rượu Làng Vân, mỳ Chũ, mỳ Kế, gà đồi Yên Thế, chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn... đã tạo thương hiệu, phát triển Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh.

Có thể thấy, thời gian qua, hoạt động SHTT đã giúp cho cộng đồng hiểu biết cơ bản về bảo hộ quyền SHTT, nhất là đối với lợi ích từ phát triển thương hiệu cho hàng hóa đặc sản của địa phương.

Phát triển thương hiệu có tác động tích cực đối với phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, như: tạo ra việc làm trực tiếp (khoảng 30 nghìn lao động), từ đó hạn chế việc di dân khỏi khu vực nông thôn, chặt phá rừng, góp phần giữ gìn, phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương bằng cách duy trì chất lượng, uy tín, danh tiếng của sản phẩm nông sản, đặc sản...