Xử lý hơn 44.500 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, từ khi dịch Covid-19 đến nay, hình thức mua bán hàng hoá qua thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng nhanh trên toàn cầu, đặc biệt tại nước ta tốc độ tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm.

Gian nan cuộc chiến đấu tranh với nạn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử
TMĐT phát triển nhanh đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh: Hải Anh

Song hành sự phát triển này, TMĐT đang đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý hoạt động kinh doanh hàng hoá. Các hình thức mua bán hàng qua mạng và trên các kênh TMĐT có yếu tố online, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ gia tăng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 62.338 vụ việc hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng, trong đó có khá nhiều vi phạm trên các kênh TMĐT.

Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục gia tăng liên quan đến nhiều chủ thể quyền các nhãn hiệu lớn ở các nước như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức...

Đáng lo ngại là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường TMĐT.

Quá trình kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù như địa điểm mua bán không xác định được, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó để xác định và chứng cứ rất dễ thay đổi. Hơn nữa việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ trên TMĐT rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

Ông Nguyễn Phương Minh - Cục Sở hữu trí tuệ cho biết thêm, hiện nay cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong việc xử lý triệt để các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bởi vì hiện nay do chưa thể xác định được danh tính các cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT dựa trên dữ liệu về chứng minh thư và căn cước công dân chưa gắn chip nên chưa đủ căn cứ pháp lý để xử lý triệt để các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn gặp khó khăn trong phát hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do còn rất nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu chưa quan tâm và chưa nhận thức đủ về những rủi ro bị xâm phạm nhãn hiệu trên không gian mạng nên đã không để ý, giám sát chặt chẽ các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

Cùng với đó, do bản chất hành vi xâm phạm nhãn hiệu là hành vi phức tạp và chỉ được hoàn toàn xác định bởi kết luận giám định nhãn hiệu của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ nên các chủ sở hữu nhãn hiệu và sàn thương mại điện tử khá lúng túng trong việc xác định các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

Chung tay bảo vệ người tiêu dùng

Ông Trần Hữu Linh cho hay, trước thực tế vi phạm trên TMĐT gia tăng, diễn biến phức tạp, tháng 3/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.

Gian nan cuộc chiến đấu tranh với nạn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử

Lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hàng mỹ phẩm là hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Ảnh: CTV

Đề án đã sửa đổi, bổ sung và khắc phục được những khoảng trống pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.

Thực hiện các nội dung chỉ đạo của đề án, ông Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã và đang tích cực phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần.

Để việc quản lý TMĐT được hiệu quả như mục tiêu Đề án 319 đề ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sự “chung tay” từ phía cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp kinh doanh sàn TMĐT và cả từ phía người tiêu dùng.

Trước vấn nạn hàng giả trên TMĐT, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Phan Mạnh Hà - đại diện sàn thương mại điện tử Shopee khẳng định, Shopee luôn tôn trọng và cam kết bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ tại Việt Nam của các chủ thể theo các quy định của pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ.

Tính đến hết tháng 11/2023, Shopee nhận được nhiều đơn khiếu nại về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 74,8% khiếu nại được chấp thuận và xử lý trong vòng 7 ngày...

Ông Hà cho biết thêm, thời gian tới, Shopee tiếp tục bảo vệ cả người mua lẫn người bán bằng cách giữ số tiền giao dịch giữa người, mua và người bán cho đến khi đơn hàng hoàn tất. Số tiền giao dịch sẽ chỉ được thanh toán cho người bán nếu: Người mua hoàn toàn hài lòng với món hàng và không có bất kỳ khiếu nại nào trong vòng 7 ngày (đối với Shop Mall) hoặc 3 ngày (đối với Shop không thuộc Mall) kể từ khi nhận được hàng, hoặc người mua đã nhấn “Đã nhận được hàng” (đối với Shop không phải là Shopee Mall), hoặc khi người mua đã gửi yêu cầu trả hàng/hoàn tiền và Shopee đã xử lý xong...

Các thông tin đăng bán và nhà bán hàng vi phạm sẽ bị áp dụng chính sách chế tài từ Shopee từ mức độ nhẹ (nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ đăng bán) đến mức độ nặng nhất (xóa bỏ đăng bán, khóa tài khoản vĩnh viễn) tùy theo vi phạm...

Đề cao vai trò của người tiêu dùng

Theo khuyến nghị của thực thi pháp luật, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nói chung và trên không gian mạng, TMĐT nói riêng, người tiêu dùng phải thực sự là "mắt xích" quan trọng, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa, bảo vệ nền sản xuất trong nước.