Đẩy mạnh số hóa

Khoảng 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh để đơn giản hóa các quy trình phục vụ khách hàng, xử lý thông tin, đầu tư vào các kênh phân phối để tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn.

Bảo hiểm phi nhân thọ  tăng tốc trong cuộc đua số hóa

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh để đơn giản hóa các quy trình phục vụ khách hàng

Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, công ty đã áp dụng hàng loạt giải pháp ứng dụng công nghệ số trên toàn hệ thống như: bán hàng, quản trị, chăm sóc, cấp đơn đến các quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm… Theo đó, đã cho phép người dùng “tối đa hóa” lợi ích khi truy vấn thông tin chi tiết, đăng ký tham gia và nhận quyền lợi bảo hiểm dễ dàng thông qua thao tác trực tuyến.

Cùng với đó, việc ứng dụng AI, Chatbot trong các hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm đã giúp Bảo hiểm Bảo Việt nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19, Bảo hiểm Bảo Việt liên tiếp ra mắt các sản phẩm bảo hiểm số như: Nhóm sản phẩm số dành cho cá nhân gồm bảo hiểm du lịch (Travel Easy), bảo hiểm thiết bị điện tử (Gadget Easy), bảo hiểm trễ chuyến bay (Flight Easy); nhóm sản phẩm số dành cho doanh nghiệp: bảo hiểm hàng hóa (E-cargo Policy), bảo hiểm dữ liệu và an ninh mạng (Cyber Liability)….

Một tên tuổi khác là Bảo hiểm PTI, doanh nghiệp này xác định lấy công nghệ làm nền tảng để tạo nên những ứng dụng giúp hỗ trợ khách hàng trải nghiệm dịch vụ dễ dàng và thuận tiện hơn. Nhờ vào ứng dụng công nghệ, Bảo hiểm PTI đã xây dựng và cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu riêng biệt của từng nhóm khách hàng. Doanh nghiệp này cũng được biết đến là một doanh nghiệp năng động trong việc phát triển các sản phẩm ứng dụng nhiều công nghệ như: Bảo hiểm tình yêu, bảo hiểm trễ hủy chuyến bay, bảo hiểm tai nạn theo chuyến... Những dòng sản phẩm này được số hóa 100% từ việc mua hàng đến việc chi trả bồi thường.

Tại Bảo hiểm PVI, các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử được triển khai mạnh mẽ, theo đó, Bảo hiểm PVI đã đẩy mạnh hợp tác với các đối tác như: nền tảng quà tặng điện tử Got It, ứng dụng đặt xe Fclass, Công ty TNHH Thu phí Tự động VETC… Bảo hiểm PVI cũng là doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến và là 1 trong số ít các doanh nghiệp triển khai cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử trách nhiệm dân sự bắt buộc theo Nghị định 03/2021-NĐ/CP ngay khi nghị định có hiệu lực.

Đại diện Bảo hiểm PJICO cho biết, công ty cũng tiên phong trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh từ khâu bán bảo hiểm, cấp đơn bảo hiểm, hóa đơn điện tử…, để đáp ứng xu thế thị trường, đặc biệt là ứng phó với kịch bản đại dịch Covid-19 kéo dài.

Tăng trưởng ổn định trong đại dịch

Có thể thấy, trái ngược với nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp bảo hiểm tương đối khả quan. Báo cáo của Bảo hiểm PVI cho thấy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp này đạt tổng doanh thu hơn 7.583 tỷ đồng, hoàn thành 107,8% kế hoạch 9 tháng, tương đương 79,2% kế hoạch năm 2021, tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc nói riêng tăng trưởng 10,1%, gấp gần 5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường. Lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI đạt 686,6 tỷ đồng, hoàn thành 161,9% kế hoạch 9 tháng, tương đương 106,4% kế hoạch năm, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, tổng doanh thu 9 tháng năm 2021 của doanh nghiệp đạt 7.595 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 6.444 tỷ đồng. Bảo hiểm Bảo Việt cũng là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam duy nhất vinh dự nhận được giải thưởng Sáng kiến bảo hiểm số của năm 2021 (Digital Insurance Initiative of the Year – Việt Nam) do Insurance Asia Awards 2021 đánh giá và trao tặng.

Đại diện Bảo hiểm PJICO cho biết, về doanh thu phí bảo hiểm gốc, 9 tháng năm 2021, PJICO đã đạt 2.340 tỷ đồng. Công ty đang nỗ lực triển khai mọi giải pháp phấn đấu đạt tổng doanh thu như kế hoạch đề ra năm 2021 là hơn 4.199 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc kỳ vọng đạt hơn 3.565 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2021, vốn chủ sở hữu của Bảo hiểm PJICO tăng thêm 14% so với đầu năm đạt mức 1.686 tỷ đồng…

Có thể thấy, nhờ đẩy mạnh đầu tư vào nền tảng công nghệ số, củng cố nội lực, cũng như chính sách ứng phó linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, an toàn, đảm bảo việc làm, thu nhập cao cho người lao động và thiết lập ngưỡng mới về quy mô lợi nhuận.

Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhận định, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực bảo hiểm thời gian qua đã và đang giúp doanh nghiệp đơn giản, tối ưu hóa quy trình phục vụ khách hàng từ xử lý thông tin, bán sản phẩm, công tác chi trả bồi thường. Đồng thời, quá trình này cũng giúp khách hàng tiếp cận được các sản phẩm bảo hiểm nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để chuyển đổi số toàn diện…, góp phần xây dựng một hệ sinh thái số khép kín, an toàn và bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho khách hàng và giúp thị trường tăng trưởng bền vững.