Chủ hộ kinh doanh được lựa chọn mức tiền lương làm căn cứ đóng

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (hiện đã hết hiệu lực), chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu có nhu cầu.

Mở cơ hội tiếp cận chính sách an sinh bền vững cho chủ hộ kinh doanh
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tới tiểu thương. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thay thế Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chủ hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh theo quy định của Chính phủ thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo quy định tại Nghị định số 158/2025/NĐ-CP ngày 25/6/2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, từ ngày 1/7/2025, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chính sách này cũng sẽ áp dụng đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh còn lại nhưng từ ngày 1/7/2029.

Theo quy định, mức đóng hằng tháng tính theo tỷ lệ % tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bằng 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chủ hộ kinh doanh được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng. Mức tham chiếu hiện nay bằng mức lương cơ sở (2.340.000 đồng/tháng).

Căn cứ theo quy định trên, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất hiện tại của chủ hộ là 585.000 đồng/tháng (25% x 2.340.000 đồng/tháng); mức cao nhất hiện nay là 11.700.000 đồng/tháng (25% x 20 lần x 2.340.000 đồng/tháng)

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ thay đổi tùy theo mức tham chiếu (tại thời điểm tháng 7/2025 mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở).

Về phương thức đóng, chủ hộ kinh doanh có thể lựa chọn phương thức đóng linh hoạt hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần tùy theo nhu cầu.

Đảm bảo quyền lợi của chủ hộ kinh doanh đã tham gia bảo hiểm xã hội trước đây

Theo quy định của pháp luật trước khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực (trước ngày 1/7/2025), chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do thực hiện không đúng quy định của pháp luật, nên thời điểm trước 1/7/2025, các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng chế độ, trong đó có nhiều trường hợp đã đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Mở cơ hội tiếp cận chính sách an sinh bền vững cho chủ hộ kinh doanh
Cả nước có khoảng 3.539 chủ hộ kinh doanh cá thể thuộc diện được ghi nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để làm căn cứ giải quyết chế độ. Ảnh minh họa

Theo Nghị quyết số 78/2025/UBTVQH15 ngày 19/5/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành (trước ngày 1/7/2025) đã được ghi nhận.

Cụ thể, Nghị quyết số 78/2025/UBTVQH15 quy định:

Ghi nhận thời gian chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 1/7/2025 để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Chủ hộ kinh doanh đã đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định nêu trên xác nhận thời gian chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 1/7/2025 và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội phát sinh theo đúng quy định của pháp luật.

Quy định này có hiệu lực đồng nghĩa với việc trên cả nước sẽ có khoảng 3.539 chủ hộ kinh doanh cá thể thuộc diện được ghi nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Trước đó, để giải quyết đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể đã có quá trình đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có các văn bản gửi các Bộ, cơ quan thẩm quyền để báo cáo, đề xuất giải quyết đối với chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách./.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng quy định rõ về các đối tượng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo điểm a khoản 7 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024: "Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng" không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chủ hộ kinh doanh là người đã về hưu và đang hưởng lương hưu thì sẽ không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.