Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Tư
Hệ thống bảo hộ nhãn hiệu quốc tế được xây dựng và quản lý bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ được nhãn hiệu của mình. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến lĩnh vực này.
Vấn đề được đặt ra tại hội thảo bảo hộ KDCN và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức ngày 5/7.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã liên tiếp ký các hiệp định về hội nhập quốc tế là CPTPP và EVFTA. Cả 2 hiệp định đều rất quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Việt Nam là nước có những cam kết rất cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ, đã là thành viên của WIPO và tham gia vào các công ước bảo hộ sở hữu trí tuệ quốc tế.
Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị gia nhập thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế KDCN. Đây là những việc làm rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn nhân loại đang tiến tới một nền kinh tế số, nền kinh tế thông minh.
![]() |
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bùi Tư |
Cũng theo ông Lộc, Việt Nam cam kết tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế về sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời Việt Nam phải tôn trọng sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác Việt Nam cũng phải quan tâm bảo vệ chính tài sản sở hữu trí tuệ của mình.
Ông Lộc bày tỏ, hiện nay sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Việc chưa quan tâm đúng mức của doanh nghiệp Việt Nam đối với vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ KDCN và nhãn hiệu nói riêng trong những năm qua đã gây ra nhiều vấn đề lớn. Doanh nghiệp Việt Nam đã phải trả những cái giá rất đắt cho việc này.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hiện nay có một số hệ thống bảo hộ quốc tế được thiết lập như đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua thỏa ước Madrid và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo thỏa ước Lahay.
Việc đăng ký bảo hộ theo Lahay và Madrid được thực hiện ở nước ngoài đơn giản, dễ dàng, giảm thiểu thời gian và tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp nắm vững được cách thức vận hành của các hệ thống bảo hộ quốc tế để từ đó sử dụng thành thạo và hiệu quả các hệ thống này.
Theo ông Lâm, bảo hộ hữu hiệu quyền sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp ở nước ngoài là điều mà doanh nghiệp trong nước nên làm.
Giới thiệu về hệ thống Lahay, ông Denis Croze - đại diện của WIPO cho biết, hệ thống Lahay được xây dựng nhằm tạo khả năng đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều nước thông qua một đơn đăng ký duy nhất nộp cho Văn phòng quốc tế của WIPO, với một loại tiền tệ duy nhất. Đồng thời giúp chủ sở hữu dễ dàng quản lý đăng ký quốc tế KDCN của mình như gia hạn hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu, thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu thông qua một thủ tục đơn giản.
Vì vậy, người nộp đơn không cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt tại mỗi nước cần bảo hộ, do đó tránh được các thủ tục phức tạp và khác nhau của mỗi nước. Hiện nay đã có 113 quốc gia tham gia vào hệ thống Lahay./.
Bùi Tư