Tại hội thảo “Thực hành xanh hóa trong sản xuất và tiêu dùng”, bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), chia sẻ hiện nay người dân TP. Hồ Chí Minh ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Có 59% người tiêu dùng mong muốn tăng cường sử dụng các sản phẩm xanh trong thời gian tới, với 44% người dùng sẵn sàng chi thêm từ 5 - 10% giá so với sản phẩm thông thường để hỗ trợ tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu dùng xanh vẫn còn thấp do giá thành sản phẩm xanh cao và thiếu thông tin về lợi ích của việc tiêu dùng xanh.
![]() |
Hội thảo “Thực hành xanh hóa trong sản xuất và tiêu dùng”. Ảnh: Nguyễn Lạc |
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của Việt Nam ước tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%; ngành khai khoáng giảm 6,5%, riêng ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành chế biến lương thực thực phẩm vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Anh Quốc và Liên minh Châu Âu đã đặt ra yêu cầu khắt khe đối với doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu phải thực hiện quản trị bền vững thông qua 3 yếu tố (môi trường, xã hội và quản trị) trong khung ESG.
Do đó, sản xuất xanh đang từ xu hướng trở thành yếu tố tất yếu trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành lương thực thực phẩm. Tại TP. Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, việc phát triển sản phẩm xanh và ứng dụng công nghệ sạch là chìa khóa giúp doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm khẳng định uy tín thương hiệu trên thị trường. Các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ESG sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu khó tính và nâng cao uy tín thương hiệu.
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày tổng quan về các hoạt động môi trường và bối cảnh phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thực phẩm. Các phương án phát triển và tích hợp ESG cho doanh nghiệp lương thực thực phẩm (LTTP) cũng được phân tích sâu sắc, cùng với các quy chuẩn về phát triển bền vững như GHG, EURD, báo cáo bền vững và nhãn xanh, nêu rõ cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các mô hình mẫu về áp dụng thực hành tốt trách nhiệm xã hội, môi trường và bền vững trên chuỗi cung ứng và kinh doanh của ngành thực phẩm cũng được giới thiệu.
Việt Nam đang triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động môi trường. Chương trình này được phê duyệt tại Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sạch, giúp doanh nghiệp thích ứng với các quy định mới từ thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu, với thỏa thuận European Green Deal. |