thutuong

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Bộ trưởng môi trường ASEAN chụp ảnh kỉ niệm

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN lần thứ 13 diễn ra vào chiều ngày 28/10/2015 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2015 là mốc lịch sử quan trọng đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi Cộng đồng ASEAN được thành lập và trở thành một thực thể gắn kết về chính trị - an ninh; liên kết về kinh tế.

Cùng với toàn cầu, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hợp tác về bảo vệ môi trường là một trong những lĩnh vực được đưa ra ngay từ những thập kỷ đầu tiên khi mới thành lập Hiệp hội ASEAN và luôn được các quốc gia thành viên quan tâm thúc đẩy.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, mặc dù chưa phải là nguồn phát thải đáng kể khí gây hiệu ứng nhà kính nhưng lại phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

“Ngày nay, biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực và nguồn nước,… đã trở thành vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu, không một quốc gia hay cường quốc nào đủ sức giải quyết mà cần phải có sự hợp tác của cả cộng đồng quốc tế. Nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với mỗi quốc gia là phải tập trung phát triển kinh tế và bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu về bảo vệ môi trường, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững,…

Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, tính trung bình cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP.

“Đây là cảnh báo rất nghiêm khắc khi trên thực tế vẫn còn tình trạng coi trọng các lợi ích phát triển kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường bền vững lâu dài. Hơn nữa công tác bảo vệ và khắc phục hậu quả môi trường cần phải có nguồn lực không nhỏ trong khi nguồn vốn đầu tư cho phát triển còn hạn hẹp. Trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam coi bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh và hướng tới người dân - phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe, thể chất của nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 là hoạt động định kỳ 3 năm 1 lần trong cơ chế hợp tác môi trường ASEAN, được tổ chức luân phiên tại các quốc gia thành viên nhằm mục tiêu kiểm điểm tình hình thực hiện các thỏa thuận về hợp tác môi trường trong khu vực giữa hai kỳ hội nghị.

Đồng thời, thảo luận các nội dung hợp tác mới; kiến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường trong thời gian tới. Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 +3 lần thứ 14 và chuỗi các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 30/10/2015./.

Hồng Quyên