Biệt thự và căn hộ chung cư tại khu đô thị Ciputra Hà Nội đang thu hút khách hàng. Ảnh: Văn Nam.
Hệ thống cảnh quan và giao thông đồng bộ
Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020, trục Nhật Tân - Nội Bài được coi là cửa ngõ của thế giới đến với Thủ đô Hà Nội sẽ đón hàng loạt công trình hạ tầng tầm cỡ thế giới.
Đầu tiên phải kể đến là dự án công viên Kim Quy, với tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng nằm trên tổng diện tích 100 ha, được Tập đoàn Sungroup khởi công xây dựng từ tháng 9/2016 và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng giai đoạn 01 vào năm 2018.
Tiếp đó, dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia lớn thứ 5 thế giới do Tập đoàn Vingroup khởi công vào tháng 10/2016 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Trung tâm có diện tích trên 90 ha với hơn 550.000 m2.
Ngoài ra, trong năm 2018 hai dự án lớn đặc biệt quan trọng của khu vực này cũng sẽ được động thổ xây dựng: Nhà hát Opera tầm cỡ quốc tế (một biểu tượng kiến trúc giống như nhà hát “con sò" - Sydney Opera House - của người Úc, tại vị trí 58 Quảng An, Tây Hồ trước đây là khách sạn Tây Hồ) và siêu thành phố thông minh 4 tỷ USD với tháp tài chính 108 tầng cao nhất Thủ đô (do liên doanh Tập đoàn BRG và các đối tác Nhật Bản đầu tư).
Cùng với đó là việc nâng cấp, mở rộng hàng loạt các tuyến giao thông huyết mạch như đường Phạm Văn Đồng với mặt cắt ngang rộng 93m. Tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, song song với đường sắt đô thị số 2 kết nối qua các khu đô thị lớn Tây Hồ Tây.
Hiện tại, thành phố đang kêu gọi vốn để chuẩn bị xây dựng tuyến Metro số 2 và cũng đang chuẩn bị kế hoạch khởi công dự án cầu Tứ Liên.
Một ưu điểm nữa của Tây Hồ Tây là sở hữu hơn 500 ha mặt nước hồ tự nhiên và hàng chục ha không gian cây xanh từ hệ thống công viên lớn như công viên Hòa Bình, công viên Hữu Nghị, công viên Đoàn Ngoại giao, công viên dự án Tây Hồ Tây…
Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thị trường BĐS phía Tây Hồ Tây phát triển vượt bậc trong năm 2017. Sang năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ là điểm đến của khách hàng có điều kiện kinh tế cao. Do đây là khu vực có hạ tầng tốt, vị trí đẹp, có thể nhanh chóng di chuyển vào thành phố hoặc kết nối các tỉnh lân cận bởi các cây cầu như Nhật Tân, Thăng Long. Vì lẽ đó, một số dự án ở phía Tây Hồ Tây hút khách, mặc dù các dự án ở đây chủ yếu ở phân khúc cao cấp.
Phân khúc cao cấp cháy hàng
Một trong những dự án BĐS quy mô lớn đầu tiên tại khu vực này phải kể đến khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra). Đây là dự án BĐS đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam từ trước tới năm 2007 với số vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỷ USD, do tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư.
Qua hơn 10 năm, sức hút của dự án này trên thị trường vẫn không hề giảm nhiệt. Hiện giá bán một căn biệt thự Ciputra vẫn khoảng 130 triệu đồng/m2 (từ 25 - 50 tỷ đồng/căn tuỳ vị trí và diện tích). Giá bán một căn chung cư cũng từ 4 - 7 tỷ đồng/căn hộ.
Một dự án khác tại khu vực này cũng dẫn đầu về sự đắt đỏ trên thị trường BĐS Thủ đô là khu biệt thự Starlake do các nhà đầu tư Hàn Quốc phát triển. Biệt thự tại đây có mức giá khoảng 115 - 125 triệu đồng/m2, tối thiểu 16,3 tỷ đồng để sở hữu một căn liền kề và 21 tỷ đồng để mua biệt thự, căn đắt nhất hơn 50 tỷ đồng. Một mức giá không hề rẻ, song điều đáng ngạc nhiên là toàn bộ 182 biệt thự và liền kề của khu đô thị Starlake đã được khách hàng đặt mua hết chỉ trong thời gian ngắn.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện các BĐS của khu vực này còn lại không nhiều, thay vào đó là các dự án căn hộ chung cư. Dọc hai bên tuyến đường Võ Chí Công từ ngã tư Hoàng Quốc Việt đến chân cầu Nhật Tân giống như một đại công trường với những dự án chung cư như Tây Hồ Riverview, Tây Hồ Residence, Sunshine Riverside...
Được biết, hầu hết các dự án chung cư tại khu vực này đều có mức giá giao động từ 35 - 50 triệu đồng/m2. Rất ít những dự án có mức giá thấp dưới 2 tỷ đồng/căn, trừ một vài dự án như EcoLife Tây Hồ, Lạc Hồng Westlake hầu như đã bán hết từ lâu.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc bộ phân nghiên cứu, tư vấn và định giá, Công ty TNHH CBRE Hà Nội cho biết, các dự án phân khúc nhà ở cao cấp tại những vị trí tốt, chất lượng tốt, hạ đồng đồng bộ sẽ có giá bán và tính thanh khoản tốt hơn. Điều đó được minh chứng, nhiều dự án ở khu vực này có giá khá cao, trên 30 triệu đến 55 triệu/m2 vẫn có khách hàng đặt mua và số lượng bán được khá lớn trong quỹ nhà hiện có trong dự án.
Thêm nữa, tại các căn nhà liền kề ở Tây Hồ Tây có giá đều trên 100 triệu đồng/m2 cũng được khách hàng săn lùng, thậm chí có dự án đã không còn hàng bán mà phải mua chênh từ các nhà đầu tư khác./.
Văn Nam